Năm 2020, nợ xấu tăng cao cũng không vì virus corona?

12/02/2020 13:53 GMT+7
Một trong 3 tác động của virus corona tới hoạt động ngân hàng là tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp này sẽ được tái cơ cấu nợ thay vì đưa vào nợ xấu ngay trong năm nay.

Theo báo cáo Đánh giá sơ bộ tác động của dịch nCoV tới kinh tế thế giới, Trung Quốc (tâm dịch); và kinh tế Việt Nam cùng các giải pháp kiến nghị do TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa thực hiện, dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra đã tác động mạnh đến kinh tế, tài chính toàn cầu.

Riêng với thị trường tài chính, tại Việt Nam, những biến động đầu tiên đã được ghi nhận trên thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối.

Theo đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng (tính đến hết ngày 10/2/2020 tỷ giá trung tâm tăng 0,24%, tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm).

Trên thị trường chứng khoán, lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với yếu tố tâm lý sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 diễn biến trầm lắng, tâm trạng chờ đợi bao phủ toàn thị trường.

Các nhà đầu tư đã có những lo ngại đối với dịch nCoV tác động tới kinh tế Việt Nam, khi VNIndex sụt giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30 và 31/1), giảm 5,53% so với trước thời điểm nghỉ Tết (cũng là quãng thời gian Chính phủ và các cơ chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ứng phó với dịch nCoV).

Trong tuần từ 3-7/2/2020, VNIndex tăng giảm đan xen, với biên độ hẹp hơn, mặc dù có lúc sụt giảm mạnh qua mốc 900 điểm (trong phiên ngày 3/2). Đến hết ngày 10/2/2020, VNIndex đóng cửa ở mức 930,73 điểm, giảm 3% so với mức đầu năm 2020 (960 điểm).

Riêng tác động của dịch nCoV đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng và bản thân ngân hàng. Theo đó, nhóm tác giả dự báo, dịch bệnh nCoV sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, cầu tín dụng sẽ giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý 1 và quý 2.

Tác động thứ hai, nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc.

Thứ ba, đó là tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn.

"Hiện, quy mô dự tính tác động không quá lớn, ngoài ra, Chính phủ và NHNN cho phép nếu hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. Rõ ràng đây là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Năm 2020, nợ xấu tăng cao cũng không vì virus corona? - Ảnh 2.

Trên thực tế, mới đây, NHNN đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp. Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch corona để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.

Mặt khác, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.

Có cái nhìn lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng hiện nay dịch mới bùng phát ở Việt Nam khoảng nửa tháng nên tác động có thể là phụ thuộc vào việc khi nào dịch kết thúc.

"Mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ có thể ổn định tình hình nhanh chóng như thế nào và khả năng khôi phục trở lại của nền kinh tế sau dịch bệnh", ông Độ nói.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, tác động trực tiếp bởi virus corona không nhiều, tuy nhiên cũng có thể liên quan gián tiếp đến nợ xấu.

Ông Độ phân tích, nền kinh tế đang điều chỉnh theo chu kỳ, có một số ngành đang tăng trưởng chậm lại sau một giai đoạn tăng trưởng rất cao, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, bất động sản chững lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại, nên kể cả không có bệnh dịch corona thì khả năng triển vọng ngành ngân hàng cũng không sáng sủa bằng năm 2019. Chính vì vậy, khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu cũng đáng lo ngại hơn.

"Tất nhiên, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu tương đối tốt. Tuy nhiên, nợ xấu ở một số ngân hàng vẫn còn cao, đây là vấn đề cần lưu tâm", ông Độ cho hay.

Năm 2020, nợ xấu tăng cao cũng không vì virus corona? - Ảnh 3.

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tới cuối năm 2019

Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 của hơn 20 ngân hàng đã công bố cho thấy, có tới 18 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm và 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng gồm: Vietbank (1,32%), ABBank (2,31%), LienVietPostBank (1,44%), TPBank (1,29%), Kienlongbank (1,02%).

Bên cạnh VPBank, PGBank hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 2,80%. Nhà băng này đang trong quá trình hoạt động cầm chừng chờ sáp nhập với HDBank.

Ngoài VPBank và PG Bank, TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là ABBank, Seabank, Saigonbank, Sacombank, OCB, SHB, BIDV, Eximbank, VIB.

Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là ACB (0,54%), Bac A Bank (0,68%), Vietcombank (0,78%).

Xét về giá trị tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 19.451 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm trước. Tiếp theo là VietinBank với hơn 10.800 tỷ đồng, giảm 21% và VPBank với gần 8.800 tỷ đồng nợ xấu nội bảng.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục