Năm 2021, trợ cấp BHXH cho người lao động có gì thay đổi?

15/11/2020 20:30 GMT+7
Một trong những căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là lương cơ sở. Vậy, quyền lợi của người tham gia BHXH năm 2021 khi không tăng lương cơ sở thế nào?

Ngày 12/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, chính thức chốt không tăng lương cơ sở. Cụ thể, vẫn giữ ở mức cũ là 1,49 triệu đồng/tháng. Vì lương cơ sở không tăng nên một số khoản trợ cấp BHXH của người lao động năm 2021 vẫn sẽ giữ nguyên như năm 2020, mà không tăng như thông lệ.

1. Trợ cấp một lần khi sinh con

Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con

Vậy, năm 2021 lương cơ sở không tăng nên mức trợ cấp được nhận = 2 x 1,49 triệu đồng = 2,98 triệu đồng.

Năm 2021, trợ cấp BHXH cho người lao động có gì thay đổi? - Ảnh 1.

Vì lương cơ sở không tăng nên một số khoản trợ cấp BHXH của người lao động năm 2021 vẫn sẽ giữ nguyên như năm 2020, mà không tăng như thông lệ. Ảnh minh họa

2. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Căn cứ Điều 29, 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản 06 tháng, trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05-10 ngày. Mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Do đó, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe = 1,49 triệu đồng x 30%= 447.000 đồng/ngày.

3. Mức trợ cấp lương hưu tối thiểu hàng tháng

Căn cứ khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội

Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.

Vì mức lương cơ sở không tăng nên mức lương hưu thấp nhất được nhận bằng 1,49 triệu đồng/tháng.

4. Trợ cấp mai táng

Căn cứ Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Người đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người chết do tai nạn lao động, người đang hưởng lương hưu… khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng.

Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở nên mức hưởng = 1,49 triệu đồng x 10 = 14,9 triệu đồng.

5. Trợ cấp tuất hàng tháng

Căn cứ Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội

Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Theo đó:

- Với mỗi thân nhân = 50% x 1,49 triệu đồng/tháng = 745.000 đồng/tháng.

- Với thân nhân không có người nuôi dưỡng trực tiếp = 70% x 1,49 triệu đồng/tháng = 1.043.000 đồng/tháng.

6. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Căn cứ Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

NLĐ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05-10 ngày trong một năm.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Do lương cơ sở năm 2021 giữ nguyên nên trợ cấp được nhận như năm 2020 là 447.000 đồng/ngày.

7. Trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động

Căn cứ Điều 48, 49  Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

Trợ cấp một lần khi bị suy giảm từ 5%-30%

NLĐ suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở:

5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng.

Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở:

0,5 x 1,49 triệu đồng = 745.000 đồng.

Trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm từ 31% trở lên

NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Mức trợ cấp nếu suy giảm 31% khả năng lao động = 30% x 1,49 triệu đồng/tháng = 447.000 đồng/tháng.

Sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 2% x 1,49 triệu đồng/tháng = 29.800 đồng/tháng.

8. Trợ cấp phục vụ NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt…

Căn cứ Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động

Mức trợ cấp được hưởng như người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên nêu trên. Ngoài ra, hàng tháng được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

9. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Căn cứ Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động

NLĐ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật được hưởng trợ cấp một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Theo đó, mức trợ cấp được hưởng là 447.000 đồng/ngày.

10. Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

Thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết.

Mức trợ cấp = 36 x 1,49 triệu đồng = 53,64 triệu đồng.

PV
Cùng chuyên mục