Năm 2022 sẽ không thiếu điện, chi phí mua điện của EVN tăng vọt

15/11/2021 15:37 GMT+7
Năm 2022 sẽ không thiếu điện do dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nên tiêu thụ điện còn thấp...

Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc,... do chi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao làm giá điện cũng tăng mạnh.

Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đối với Việt Nam đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ tăng theo giá thế giới. Các loại năng lượng sản xuất trong nước cũng tăng với các mức độ khác nhau.

Năng lượng lại là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó nó sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Năm 2022 sẽ không thiếu điện, chi phí mua điện của EVN tăng vọt - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam dốc toàn lực thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022. Ảnh: ND

Đối với Việt Nam, từ tháng 7/2021 trở lại đây, giá nhiên liệu đầu vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến tăng tới 16.600 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, thông tin về các mặt hàng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ta đã tăng giá điện lần cuối vào tháng 3/2018. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá điện đã thực hiện giảm 5 lần với tổng số tiền lên đến 16.650 tỷ đồng. Bộ Công Thương khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng không tăng giá điện để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân dịp cuối năm.

Để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính bao gồm: Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện.

Hai là bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành.

Nguyên tắc cuối cùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội, không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.

Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra các giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện.

Đó là, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.

Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện, 1.244 MW thủy điện (trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ).

Bộ này cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam dốc toàn lực thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022.

Rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành, cũng là giải pháp chính được Bộ Công Thương tính đến nhằm bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục