Năm 2023 Chính phủ dự kiến vay gần 26 tỷ USD, 65% tiền vay nợ để bù đắp bội chi

19/10/2022 11:20 GMT+7
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023, theo đó, Việt Nam dự kiến vay hơn 644.515 tỷ đồng (tương đương gần 26 tỷ USD) cho năm 2023.

2/3 tiền vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương

Đáng chú ý, khoản vay bù đắp bội chi cho ngân sách Trung ương lên đến hơn 430.500 tỷ đồng (trên 17 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng vay nợ), vay để trả nợ gốc 190.515 tỷ đồng (7,6 tỷ USD, chiếm gần 30%), khoản vay về cho vay lại là 23.500 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Các khoản vay này được tiếp cận từ các nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật, vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài...

Chính phủ dự kiến vay nợ gần 26 tỷ USD cho năm 2023, 65% tiền vay nợ để bù đắp bội chi - Ảnh 1.

Chính phủ muốn vay gần 26 tỷ USD cho năm tài khoá 2023. (Ảnh minh hoạ)

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2023 sẽ là khoảng 293.405 tỷ đồng (11,7 tỷ USD), trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng (7,6 tỷ USD) và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng (4,1 tỷ USD). 

Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt. Trong đó, Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án mới, song dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng.

Năm 2022, huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.500 tỷ đồng (gần 25 tỷ USD), chủ yếu là vay trong nước, với 92% khoản vay phát hành qua trái phiếu Chính phủ. Trả nợ năm 2022 là 324.600 tỷ đồng (13 tỷ USD), trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD). Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Mặc dù tỷ lệ vay lớn song hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhất là đối với vốn ODA, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt 65% kế hoạch. Đến tháng 9-2022 đã có một số đơn vị đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022, trong đó 6 bộ, ngành đề xuất trả gần 1.700 tỷ đồng, các địa phương cũng muốn trả gần 10.000 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, hiện áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam, làm ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt với nợ bằng USD và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.

Về giải pháp quản lý nợ công, Chính phủ nhấn mạnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách để quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng. Tiếp tục rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công nhằm tiếp tục cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt.

Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.

An Linh
Cùng chuyên mục