Nam Định còn tồn đọng 14 vụ vi phạm pháp luật về đê điều

Đ. Lực - M. Chiến Thứ hai, ngày 13/03/2023 14:38 PM (GMT+7)
Năm 2022, toàn tỉnh Nam Định xảy ra 19 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã giải tỏa được 5 vụ. Hiện vẫn còn tồn đọng 14 vụ.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT Nam Định, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp, những vi phạm thường xảy ra như: Xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu trái phép trên bãi sông; sử dụng xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê; đổ phế liệu, rác thải lên mái, mặt đê…

Đặc biệt tình trạng tập kết đất, đá, cát, sỏi với khối lượng rất lớn, chất đống cao từ đê ra tới bờ sông, lắp dựng trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông dễ gây sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều.

Mặc dù UBND tỉnh Nam Định, Sở NNPTNT Nam Định đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nam Định, năm 2022 toàn tỉnh vẫn xảy ra 19 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã giải tỏa được 5 vụ; còn tồn đọng 14 vụ.

Nam Định còn tồn đọng 14 vụ vi phạm pháp luật về đê điều - Ảnh 1.

Năm 2022, toàn tỉnh Nam Định xảy ra 19 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Ảnh: Lãng Hồng.

Trong đó, huyện Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng còn tồn đọng 2 vụ; thành phố Nam Định còn tồn đọng 1; huyện Trực Ninh còn tồn đọng 7 vụ.

Để đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Sở NNPTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc và chính quyền địa phương cấp xã kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật đê điều trên toàn bộ hệ thống đê điều, bãi sông, xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm.

Tập trung giải tỏa các vi phạm còn tồn đọng, trong đó xử lý dứt điểm các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều, khả năng thoát lũ của tuyến sông và đặc biệt các vi phạm phát sinh trong năm 2022.

Kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm; báo cáo UBND tỉnh Nam Định thu hồi giấy phép đối với những hoạt động trái với quy định trong giấy phép, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ của các tuyến sông.

Lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu, công trình xây dựng, trạm trộn bê tông,... đang hoạt động trái phép trên các bãi sông, yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong thời hạn nhất định phải tự giải tỏa vật liệu, công trình trên bãi, nếu không chấp hành phải cưỡng chế theo quy định. Tổ chức, cá nhân nào tái vi phạm nhiều lần thì chuyển cơ quan pháp luật để xử lý...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức của toàn xã hội; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư trong việc tố giác hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác, kinh doanh cát, sỏi trải phép.

Ngoài ra, tổ chức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan theo thẩm quyền, để các quy định pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai được thực hiện nghiêm.

Nam Định còn tồn đọng 14 vụ vi phạm pháp luật về đê điều - Ảnh 2.

Hiện nay, huyện Trực Ninh còn tồn đọng 7 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Ảnh: Lãng Hồng.

Năm 2022, Trực Ninh là 1 trong những huyện phát hiện tình trạng vi phạm đê điều nhiều nhất, với 8 vụ vi phạm pháp luật về đê điều tại các xã, thị trấn: Trực Đại, Trực Cường, Trực Hùng, Cổ Lễ. Trong đó, đã giải tỏa được 1 vụ vi phạm tại xã Trực Đại.

Theo ông Phạm Trọng Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, thời gian qua, các xã, thị trấn đã chủ động, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh ngay từ giờ đầu; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi được hạn chế đáng kể.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm mới phát sinh, tái vi phạm vẫn diễn ra nhưng chưa được phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý không triệt để; đặc biệt, tình trạng xây dựng lấn chiếm bờ kênh, lòng sông trong mùa nước cạn vào cuối năm, tập kết vật liệu xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông trên bãi sông, ... làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi.

Sau khi nhận được văn bản số 291/SNN-CCTL ngày 10/2/2023 của Sở NNPTNT Nam Định về việc đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên các tuyến đê, bãi sông thuộc địa bàn tỉnh, UBND huyện Trực Ninh đã ban hành văn bản yêu cầu các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND huyện về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Tập trung xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phát sinh trong năm 2022…

Ngày 1/3/2023, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ban hành Chỉ thị số 1148/CT-BNN-DĐ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê về việc tăng cường quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Trong đó, có nhấn mạnh xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5/2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem