Năm học mới, có đổi mới nhưng không có... "chuột bạch"!

Tùng Anh Thứ ba, ngày 06/09/2016 06:25 AM (GMT+7)
Ngày 5.9, hơn 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học mới. Đây là năm học được xã hội kỳ vọng với hàng loạt điều chỉnh về chính sách “sát sườn” từ cấp tiểu học đến THPT.
Bình luận 0

Sửa “ông 30”

Trước thềm năm học mới, “tin vui” nhất được thầy trò và phụ huynh cả nước nhận được là Thông tư 30 (đánh giá học sinh tiểu học bằng lời thay bằng điểm) chính thức được Bộ GDĐT lấy ý kiến sửa đổi những bất cập.

img

Học sinh sẽ tiếp tục được thử nghiệm với nhiều thay đổi trong giáo dục. (Học sinh trường Vinshool tại lễ khai giảng năm học mới ngày 5.9). Ảnh: Tùng Anh 

Đối với xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GDĐT dự kiến sẽ có 5 hình thức xét tuyển: Dựa vào kết quả học tập THPT; dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Cụ thể, Thông tư 30 sẽ có 4 điểm được chỉnh sửa, bổ sung. Trong đó, sẽ không còn quy định giáo viên hàng tháng phải ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân sao cho phù hợp; hồ sơ đánh giá sẽ được giảm nhẹ đi khi chỉ có học bạ của học sinh và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp thay cho sổ theo dõi chất lượng giáo dục hiện hành.

Để giúp bố mẹ nắm bắt được mức độ học tập, rèn luyện của con em, sẽ bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ. Ngoài ra, việc cho điểm số ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học vẫn giữ nguyên với các lớp 1, 2, 3. Riêng với 2 môn toán và tiếng Việt ở lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra bằng điểm số ở giữa kỳ. Cuối cùng, để khắc phục tình trạng “loạn” giấy khen cuối năm, Thông tư sẽ sửa theo hướng Hiệu trưởng tặng giấy khen thưởng cuối năm theo 4 mức tương ứng.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Các vấn đề Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng vẫn còn rất nhiều điểm bất cập trong Thông tư sửa đổi chưa giảm được gánh nặng cho thầy cô và phân loại rõ ràng chất lượng học sinh. Ông Thuyết cho rằng: “Nên duy trì việc chấm điểm với học sinh tiểu học. Bởi lẽ, thực chất của việc chấm điểm theo thang 10 rất tiện lợi và dễ theo dõi”.

“Khai tử” VNEN

Cũng trong năm học mới này, mô hình trường học mới (VNEN) đã được nhiều địa phương quyết định “khai tử” vì những bất cập trong quá trình triển khai áp dụng đại trà sau 3 năm thử nghiệm. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, phụ huynh, VNEN tuy có ưu điểm giúp học sinh tương tác tốt hơn trong lớp học, tự tin trong giao tiếp và thể hiện chính kiến, quan điểm cá nhân, tự chủ trong giờ học, nhưng đối với điều kiện trường lớp chật chội, sĩ số quá đông, cách dạy theo mô hình này không hiệu quả, học sinh khó tiếp thu bài hơn, cách ngồi theo tổ nhóm với bàn ghế không thích hợp gây khó khăn cho các em trong việc tiếp thu bài. Đây cũng là lý do ngày 26.8 vừa qua, hàng trăm phụ huynh tiểu học tại TP.Vinh (Nghệ An) đã kéo tới trường yêu cầu trở lại dạy học theo cách cũ. Tại Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác cũng đưa kiến nghị dừng mô hình trường học mới vì không phù hợp với điều kiện địa phương.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GDĐT sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức. “Mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề là nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm trong thời gian qua” – ông Nhạ nói.

Không biến học sinh thành… chuột bạch

Trong khi đó, thời điểm này, phụ huynh và học sinh lớp 12 đang “nín thở” chờ đợi những điều chỉnh của Bộ GDĐT về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, trong năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ tiếp tục được sửa chữa và hoàn thiện những điểm vướng mắc. Cụ thể, thay vì thi 2 trong 1 như các năm trước, Bộ GDĐT đang dự kiến giao kỳ thi THPT quốc gia cho các Sở GDĐT. Về môn thi, Bộ GDĐT đang cân nhắc hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Theo ông Nhạ: “Đề thi nghị luận năm ngoái dư luận băn khoăn rằng vẫn có thể nhìn bài nhau hay việc chấm thi vẫn có độ “du di”… Năm tới sẽ có công nghệ thông tin và áp dụng phương án thi tổng hợp trắc nghiệm các nhóm thi. Thi trên giấy, chấm thi trên máy giúp khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi và tình trạng học lệch của học sinh... ”.

Lo lắng trước những thay đổi này, chị Nguyễn Thị Thanh (Phù Cừ, Hưng Yên) có con học lớp 12 cho biết: “Cứ ngỡ năm ngoái cải tiến đã xong, năm nay lại thay đổi. Năm học mới đến rồi mà phương án thi chưa có, vừa học vừa lo không biết sẽ thi kiểu gì? Chỉ mong Bộ GDĐT ổn định cách thi để các con không phải làm… chuột bạch”.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển năm tới tiếp tục theo tinh thần không đổi mới mà là hoàn thiện theo hướng thiết thực, gọn nhẹ, khách quan, minh bạch hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem