Nấm mối miền Tây khan hàng, 1 triệu đồng/kg vẫn đắt khách

Thành Công Thứ ba, ngày 26/08/2014 07:45 AM (GMT+7)
Giá nấm mối tại các chợ chính trong tỉnh đội lên khoảng 450.000-500.000 đồng/kg và khi nấm được vận chuyển tới các siêu thị, chợ ở các thành phố lớn thì giá có thể đội lên 700.000 - 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp.
Bình luận 0

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào cuối mùa thu hoạch nấm mối tự nhiên trong các khu vườn cây ăn trái lâu năm, nhất là trong các vườn dừa. Năm nay sản lượng giảm khiến giá nấm mối thu mua của nhà vườn tăng hơn 100.000 đồng/kg so với năm ngoái.

img 

Cung không đủ cầu

Ông Nguyễn Văn Bé - nông dân có vườn dừa lâu năm ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, năm nay nấm mối được một số điểm thu mua với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg (tùy theo loại nấm búp hay nấm đã nở), tăng khoảng 100.000 đồng/kg so với năm ngoái.

“Năm nay, vườn dừa nhà tôi cũng thu được gần 2kg nấm mối nhưng do giá nấm mối trên thị trường cao nên tôi chỉ giữ lại một ít để gia đình dùng, còn lại đem bán trang trải cuộc sống”.

Bà Lê Thị Hồng - thương lái thu mua nấm ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho hay, giá nấm mối tại các chợ chính trong tỉnh đội lên khoảng 450.000-500.000 đồng/kg và khi nấm được vận chuyển tới các siêu thị, chợ ở các thành phố lớn thì giá có thể đội lên 700.000 - 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Sản lượng giảm gần 50%

Theo nhiều nhà vườn cao niên ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), sản lượng nấm mối có xu hướng ngày càng giảm và năm nay sản lượng nấm mối giảm tới gần 50% so với các năm trước… Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nấm mối trên thị trường tăng đều qua từng năm.

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên trong các gò mối cao trong các vườn cây ăn trái, phổ biến nhất là mọc trong các vườn dừa lâu năm. Nấm mọc nhiều nhất trong những ngày thời tiết lạnh, nước rong và có gió tây. Thông thường, nấm đã mọc chỗ nào thì năm sau nấm lại mọc lên xung quanh chỗ đó. Khi hái nấm phải dùng một cây dùi nhọn bằng tre xắn xuống đất để hái cả cây nấm.

Ông Trần Văn Tư - nông dân trồng nhãn ở xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) kể: “Chuyện thu hoạch nấm mối tự nhiên cũng có nhiều chuyện khó lý giải. Thông thường khi bước vào những cơn mưa đầu mùa thì nấm mối thường mọc ở các gò mối cao trong vườn cây ăn trái lâu năm và thường mọc lặp lại chỗ cũ hàng năm.

Do đó, nhiều người thường tranh thủ rảo bước đi hái nấm mối từ sáng sớm khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi. Thế nhưng có người đi qua gò đất đó không thấy nấm mối đâu nhưng lại có người hái cả thúng nấm mối cũng ở khu vực đó”.

Theo ông Tư, nấm mối được bà con nơi đây chế biến rất đơn giản nhưng rất ngon và giữ nguyên hương vị tự nhiên. Nấm mối nhổ về chỉ cần cạo gọt cho bớt đất cát rồi rửa sạch qua nước muối, vớt ra để ráo rồi xé cây nấm ra làm ba làm tư.

Vắt nấm thật ráo nước mới trút vào nồi, cho thêm ít muối. Khi đặt nồi lên bếp lửa, nấm sẽ tự tiết ra nước nên phải trộn rất lâu cho nồi nấm ráo hẳn, hơi khô lại là có một món ăn chính ngon lành cho cả nhà.

Món ăn được chế biến từ nấm mối được coi là đặc sản không chỉ với người dân ở địa phương mà còn là món khoái khẩu của thực khách sành ăn. Hiện nay loài nấm mối này chưa được các nhà khoa học nghiên cứu trồng nhân tạo mà chỉ dựa vào nguồn nấm do mọc tự nhiên nên số lượng còn giới hạn.

Ở miền Tây, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long là những địa phương cung cấp nấm mối tự nhiên lớn cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

   Nấm mối được chế biến hàng chục món khác nhau, nhưng ngon nhất có thể kể ra như món cháo nấm mối, nấm mối xào lá cách, bánh xèo nấm mối, nấu canh, xào với thịt, kho với nước dừa… Theo y học cổ truyền, nấm mối còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp ổn định huyết áp và ngăn ngừa nhiều loại bệnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem