"Nắm người có tóc", bán hàng qua sàn thương mại điện tử hết cửa trốn thuế?

18/06/2021 10:47 GMT+7
Để tránh thất thu ngân sách, ngành thuế sẽ buộc các sàn như Shoppe, Tiki, Lazada, Sendo... khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu người bán hàng online qua sàn thương mại điện tử.

"Nắm người có tóc", bán hàng online qua sàn thương mại điện tử hết cửa trốn thuế?

Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) vừa được Bộ Tài chính ban hành, kể từ ngày 1/8/2021 các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn theo lộ trình.

Trường hợp chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế.

"Nắm người có tóc", bán hàng qua sàn thương mại điện tử hết cửa trốn thuế? - Ảnh 1.

Từ 1/8/2021 các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn theo lộ trình. (Ảnh: thehekhoinghiep)

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, từ nay đến trước ngày 01/7/2022, ngoài việc sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp chứng từ theo từng đơn hàng cho người mua và người bán, trường hợp người mua có yêu cầu hóa đơn thì cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xuất hóa đơn giấy của cơ quan thuế theo quy định hiện hành.

Song song với đó, từ ngày 01/7/2022, sàn giao dịch TMĐT thực hiện theo các quy định về hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho rằng, việc tiếp cận với các đầu mối khác để có thông tin thu thuế thương mại điện tử là hoàn toàn phù hợp, nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.

Với cách thức này, cơ quan thuế sẽ "nắm người có tóc" là các tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.

Như vậy, các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Sendo, Lazada... hoặc các đơn vị giao nhận sẽ có trách nhiệm thông tin hoặc nộp thuế thay cho khách hàng, chống thất thu thuế cho nhà nước.

Sàn thương mại điện tử nói gì?

Bày tỏ băn khoăn về quy định mới của ngành thuế, chị Hoàng Thu Trang (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, mặc dù Thông tư 40 sắp có hiệu lực song bản thân là người bị ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định của Thông tư này vẫn còn rất "hoang mang".

Chị Trang cho biết, chị bán hàng qua Shoppe, tiki,... tuy nhiên đây chỉ là nghề "tay trái" và mặt hàng của chị vốn có tính đặc thù đó là sách nghiên cứu chị tự viết nên lượng doanh thu bán hàng theo năm không nhiều. Trong khi đó, theo quy định thì cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải kê khai nộp thuế GTGT và TNCN. 

"Liệu các sàn thương mại có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các trường hợp chưa đến ngưỡng chịu thuế như tôi hay không? Quyền lợi của chúng tôi liệu có được đảm bảo hay không?", chị Trang băn khoăn.

Về phía các sàn thương mại điện tử, cũng bày tỏ khó khăn với những quy định trong Thông tư 40 này.

Theo thống kê trung bình hiện nay có tới 35 triệu giao dịch/ngày qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và dự báo con số này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.

Giám đốc Công ty Lazada Vũ Thị Minh Tú cho biết, Lazada hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau do đó phần mềm ứng dụng được xây dựng thống nhất để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Chính vì vậy, việc thay đổi các yếu tố kỹ thuật để phục vụ công tác phối hợp trong quản lý thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn giao dịch thương mại điện tử và cơ quan thuế.

"Do đó, đề nghị ngành thuế tính toán lại lộ trình và thời gian triển khai cho phù hợp với thực tiễn", bà Tú đề nghị.

Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Minh Tú đề xuất, ngành Thuế cần có hướng dẫn cụ thể cơ quan cấp nào được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin và cung cấp những nội dung gì để đảm bảo an ninh an toàn thông tin và tránh vi phạm các luật chuyên ngành khác.

Trong khi đó, để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội các doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế cần có quy định để quản lý chặt các cá nhân bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube, TikTok…

"Nắm người có tóc", bán hàng qua sàn thương mại điện tử hết cửa trốn thuế? - Ảnh 4.

Một số ứng dụng thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam.

Cũng có những ý kiến cho rằng, để thuận tiện cho việc kê khai nộp thuế, đề nghị Tổng cục Thuế kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng mã ngành đối với hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cần có cơ chế khuyến khích động viên các sàn thương mại điện tử thực thi tốt các quy định mới của nhà nước, đáp ứng được thời gian thực hiện việc khai, nộp thuế thay cho các cá nhân.

Đặc biệt, để nuôi dưỡng nguồn thu, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu, mở rộng đối tượng nộp thuế và hạ thuế suất.

N.Minh
Cùng chuyên mục