Chúng tôi gặp Đình Nhân, sinh viên khóa 2011 - 2014, lớp DCAN01, ngành An ninh mạng của Trường CĐ nghề CNTT iSpace một tuần sau khi em đạt được chứng chỉ danh giá mà dân IT ai cũng mơ ước - chứng chỉ bảo mật Gisf. Niềm vui, tự hào vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt, Nhân cho biết: “Vui quá anh ơi! Từ khi lấy được chứng chỉ này, bạn bè, người thân liên tục gọi điện chúc mừng em. Đến bây giờ em vẫn còn cảm giác lâng lâng như khi vừa nhận được tin mình lấy được chứng chỉ Gisf”.
Sinh viên đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ Gisf
“Em cũng chật vật lắm, thi rớt 1 lần vào hồi tháng 6, rồi thi lại lần 2 mới đậu đó chứ” - Đình Nhân mở đầu câu chuyện về quá trình thi lấy chứng chỉ Gisf của mình mà không giấu đi thất bại trước đó. Cũng từ đây, câu chuyện vượt khó để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) của Đình Nhân được em chậm rãi kể lại. Sinh năm 1989, tại TP.HCM, từ nhỏ Đình Nhân đã thích máy tính và mơ ước thành một kỹ sư CNTT. Thời học phổ thông, em hay tự tháo máy tính ra để sửa chữa, có lần tháo ra máy hư luôn, mẹ phải gọi thợ về sửa. Mỗi khi thợ tới sửa, em ngồi kế bên nhìn theo… “Nhiều lần thành quen đến khi học xong THPT thì em đã tự sửa chữa được một số hư hỏng nhỏ của máy tính” - Nhân cười.
Dù thích CNTT nhưng sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2007) Nhân thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân theo nguyện vọng của gia đình. Ở kỳ thi này, Nhân chỉ trúng tuyển hệ trung cấp. “Thấy mẹ một mình bươn chải vất vả nuôi hai anh em ăn học, em tạm dừng con đường học tập và xin đi làm phục vụ ở các nhà hàng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em ăn học” - Nhân kể. Tuy nhiên, dù đã trở thành “phục vụ có kinh nghiệm” - theo cách nói của Nhân nhưng ước mơ trở thành chuyên gia CNTT ở lĩnh vực an ninh mạng luôn “cháy” trong người. Vì vậy, năm 2011, Nhân quyết định đăng ký học nghề tại Trường CĐ nghề CNTT iSpace.
Với niềm đam mê, năng khiếu của bản thân trong quá trình học, Nhân được các thầy cô của phát hiện và tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để thi chứng chỉ bảo mật của Học viện SANS. “Trong lớp em có 4 bạn nữa cũng được chọn để cùng ôn tập và thi chứng chỉ bảo mật như em. Nhưng sau một thời gian ôn luyện chỉ còn mình em trụ lại. Ròng rã suốt hơn 3 tháng trước ngày thi, ngày nào em cũng được các thầy cô cho ôn luyện, thực hành từ sáng đến chiều” - Nhân cho biết.
Tháng 6.2014, Nhân tham gia thi lấy chính chỉ Gisf nhưng không đậu. Quyết chinh phục chứng chỉ danh giá này, Nhân tiếp tục ôn luyện và lần thi thứ hai (ngày 23.10) vừa qua, Đình Nhân đã thành công với kết quả đạt 87% (hơn 65 câu đúng) của bộ đề gồm 75 câu hỏi và trở thành sinh viên đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ danh giá này. “Phòng thi chỉ có mình em, ngoài giấy tờ tuỳ thân không được mang bất kỳ vật dụng nào khác, ngay cả đồng hồ xem giờ cũng không được mang vào; camera giám sát thì hai cái quay phía trước và phía sau, thời gian cũng hạn chế mà kiến thức thì dàn trải. Nào là an ninh an toàn thông tin, các thuật toán và kỹ thuật mã hóa thông tin, đánh giá được rủi ro và các mối đe dọa tiềm ẩn; song song với kỹ thuật thiết kế và triển khai hệ thống mạng, công nghệ không dây,…” - Nhân kể lại áp lực ngày thi.
Học viện SANS GIAC GISF (http://www.sans.org) thành lập năm 1989, là học viện hàng đầu thế giới về đào tạo an toàn thông tin. Các chứng chỉ an toàn thông tin của học viện SANS đang được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các chuyên gia tại Mỹ và được công nhận trên toàn thế giới. Sau 25 năm hoạt động, SANS mới cấp 60.362 chứng chỉ trên toàn cầu, trong đó mới chỉ có 954 chuyên gia đạt được chứng chỉ GISF như Nhân và khoảng 10 người đạt được chứng chỉ này tại Việt Nam.
Ước mơ trở thành chuyên gia bảo vệ các hệ thống thông tin
Được biết, chứng chỉ an toàn thông tin của Học viện SANS GIAC GISF đang được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các chuyên gia tại Mỹ và được công nhận trên toàn thế giới. Người có chứng chỉ SANS được ưu tiên tuyển dụng vào quân đội và các cơ quan nhà nước của Mỹ với mức lương khởi điểm lên đến gần 74.000USD/năm.
Riêng tại Việt Nam, theo thống kê hiện tại mới chỉ có khoảng gần 10 chuyên gia CNTT nhận được chứng chỉ Gisf và Đình Nhân là sinh viên duy nhất nhận được chứng chỉ này. Chính vì vậy, cơ hội việc làm của Đình Nhân là rất lớn song em cho biết: “Việc được nhà trường chọn, bồi dưỡng nghiệp vụ và đầu tư hàng trăm triệu đồng để lấy chứng chỉ danh giá quốc tế là một cơ hội lớn đối với em. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp em muốn ở lại trường để phục vụ cho trường và tiếp tục học lên cao nữa để khẳng định bản thân trong lĩnh vực an ninh mạng. Ngoài ra, nếu có thể em cũng sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm dự thi của mình với các bạn SV muốn thi chứng chỉ Gisf để các bạn có thể dự thi đạt kết quả tốt nhất”.
Nói về quyết định của Đình Nhân, ThS. Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề CNTT iSpace, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ em ở lại trường để xây dựng và cống hiến. Nói thật, những người có các chứng chỉ quốc tế về bảo mật nói chung và của Học viện SANS nói riêng như em Đình Nhân thì chắc chắn sẽ được các ngân hàng, các công ty Mỹ và châu Âu đặt tại Việt Nam “trải thảm” với mức lương cực kỳ ưu đãi. Tôi có thể lấy ví dụ, mức lương khởi điểm của nhân sự ngành An ninh mạng (trình độ cao đẳng trở lên) thường khoảng 600 - 800 USD/tháng, chưa kể các chế độ khác. Riêng với các nhân sự Việt Nam đạt chứng chỉ Gisf như em Nhân nếu được tuyển và làm việc tại các nước như Mỹ, Anh, Úc… mức lương sẽ vào khoảng 20.000 đến 103.000USD/năm”.
Được biết, Trường CĐ nghề CNTT iSpace là cơ sở đào tạo an ninh mạng duy nhất hiện nay được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thí điểm đào tạo Cử nhân cao đẳng An ninh mạng theo hướng chuyên sâu thực hành. Năm 2014, Ban lãnh đạo Trường iSpace quyết định đầu tư sâu cho ngành an ninh mạng với sự cố vấn và trực tiếp tham gia giảng dạy của một chuyên gia đầu ngành với gần 20 năm kinh nghiệm - một trong các Lãnh đạo An toàn thông tin (CSO) quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Toàn bộ chương trình đào tạo được iSpace xây dựng mới theo Chương trình Quốc gia về nghề An ninh mạng của Mỹ với các giảng viên là những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, sở hữu nhiều chứng chỉ của Viện SANS tham gia giảng dạy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.