Nâng cao năng lực y tế cơ sở: Giảm tải, giảm tiền túi

Diệu Linh – Tuệ Anh Thứ ba, ngày 08/12/2015 16:46 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, y tế cơ sở là “xương sống” của hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện “xương sống” chưa thực sự khỏe, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân. Vì vậy cần phải đầu tư, nâng cấp.
Bình luận 0

Bài 2: Đầu tư cho “xương sống”

Đưa “trung ương” về huyện

Nhờ được chuyển giao kỹ thuật mà thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) hạng 3 Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao tương đương với BV trung ương và bệnh viện tỉnh. Bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc BVĐK Mộc Châu đơn cử như kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng là kỹ thuật khó mà hầu hết các BV hạng 3 và một số BV hạng 2 đều không thực hiện được.

img

Ca Phẫu thuật nội soi khớp gối tại BVĐK Mộc Châu. Ảnh: BVĐK Mộc Châu

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân thay khớp háng đã không còn phải chuyển về xuôi để điều trị. Ngoài ra, các bác sĩ của BVĐK Mộc Châu cũng đã làm chủ và thực hiện thành thạo  “kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo”. Đây cũng là một trong những kỹ thuật ngoại khoa khó, rất ít BV hạng 3 làm được. Gần đây, BVĐK Mộc Châu cũng thực hiện thành công kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối.

Trước đây, do thiếu trang thiết bị chẩn đoán, phẫu thuật nên việc thực hiện các kỹ thuật đó gần như xa với đối với BV miền núi Mộc Châu. Bác sĩ Vũ Giang An (BVĐK Mộc Châu) cho biết, các ca phẫu thuật nối dây chẳng chéo rất khó vì mỗi bệnh nhân lại có tổn thương khác biệt. Nhưng các bác sĩ T.Ư đã kiên nhẫn “cầm tay chỉ việc” đối với từng ca bệnh khác nhau, giúp các bác sĩ BV Mộc Châu nắm rõ kỹ thuật, xử lý được từng ca bệnh cụ thể.

Theo bác sĩ Kỳ, 5 năm qua (từ 2011-2015), BVĐK Mộc Châu đã triển khai được 40 kỹ thuật mới, khó như kỹ thuật siêu âm tim mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật gãy ức xương phức tạp, phẫu thuật nối mạch máu cấp cứu… “Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân ở Mộc Châu và các huyện lân cận đã không phải trèo đèo, vượt suối về xuôi để điều trị bệnh tật, giảm được rất nhiều tiền túi của người dân trong việc đi lại, ăn ở. Đồng thời cũng hạn chế được nhiều ca biến chứng, tử vong do được cấp cứu, điều trị kịp thời” – bác sĩ Kỳ cho biết.

Còn BVĐK khu vực Yên Minh (Hà Giang) cũng là BV miền núi đầu tiên trong cả nước triển khai được kỹ thuật mổ nội soi từ năm 2012. Hiện nay, bệnh viện cũng đang áp dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới hiệu quả như: mổ nội soi sản khoa, phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, phẫu thuật cố định xương bằng khung cố định ngoại vi, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp longo...

Theo số liệu của Bộ Y tế, gần 70% bệnh nhân vượt tuyến lên huyện có thể điều trị ngay tại trạm y tế xã. Rất nhiều người lên tận Trung ương chỉ để chữa đau đầu, viêm họng, hoặc các bệnh mãn tính như đau khớp, huyết áp cao...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, một trong những lý do khiến người dân thích vượt tuyến là do từ trước đến nay, y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa tạo được niềm tin về chất lượng điều trị. Để giải quyết vấn đề, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh tới nhiều tỉnh.

Từ năm 2013 đến nay đã có hàng trăm bệnh viện tuyến huyện được chuyển giao kỹ thuật, hàng nghìn kỹ thuật đã được ứng dụng lại cơ sở, đem lại lợi ích cho người bệnh. 37,5% các BV vệ tinh giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Với thành công bước đầu của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả tỉnh thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu đến năm 2016, tất cả 100% các tỉnh thành trong cả nước phải thực hiện bệnh viện vệ tinh.

Đầu tư toàn diện

Trước tình hình cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế bị xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, y tế cơ sở gồm trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chất lượng chưa cao, người dân chưa tin tưởng tuyến dưới.

Từ năm 2005, Bộ Y tế đã huy động nhiều nguồn vốn gồm ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ; vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn ODA; nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế… để đầu tư cho y tế cơ sở. Tổng số bệnh viện huyện được đầu tư là 645 bệnh viện và một số phòng khám đa khoa khu vực. Nguồn vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, gồm 14.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ, 3.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Vốn trái phiếu chính phủ được bố trí giai đoạn 2008-2012 là 12.548 tỷ đồng, giai đoạn 2013 – 2015 dự kiến tiếp tục bố trí 2.736 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành được 460 bệnh viện huyện, 70 phòng khám đa khoa khu vực. Đến nay, cơ sở y tế tuyến huyện đã khang trang, rộng rãi hơn, các bệnh viện được trang bị thêm các thiết bị cần thiết cho chuyên môn, số giường bệnh tăng thêm hàng chục ngàn giường, đặc biệt năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tăng lên bước đầu đã giảm được số bệnh nhân chuyển tuyến lên tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Hiện nay Bộ Y tế đang hoàn chỉnh Đề án: “Tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” để trình Chính phủ, Bộ Chính trị trong năm 2014. Mục tiêu của các Đề án là tăng cường năng lực cho trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế và y tế tuyến huyện, bao gồm cả nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ và cung cấp thuốc thiết yếu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem