dd/mm/yyyy

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân trong thời kỳ mới

Trong những năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Bình đã có những chuyển biến khá tích cực, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hoà - Uỷ viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã chia sẻ với Trang trại Việt về những dấu ấn nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ qua.

Sự lớn mạnh trong hoạt động của Hội được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Phát huy truyền thống 88 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, công tác Hội ở Thái Bình ngày càng được củng cố vững mạnh; nội dung, phương thức hoạt động luôn được đổi mới; đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, quy hoạch và sử dụng một cách hợp lý; từng bước nâng cao phẩm chất và trình độ, đáp ứng với yêu cầu mới; chú trọng vào chất lượng hội viên và phát triển hội viên mới.

Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch TƯ Hội Nông dân về thăm và làm việc với Hội Nông dân tỉnh Thái Bình. N.T
Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch TƯ Hội Nông dân về thăm và làm việc với Hội Nông dân tỉnh Thái Bình. N.T

Nhiều loại hình tập hợp nông dân vào Hội được triển khai thực hiện như: tổ nhóm sản xuất theo ngành nghề, tổ tín dụng tiết kiệm, tổ hợp tác, câu lạc bộ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 279 cơ sở Hội, 1.777 chi hội, 3.209 tổ hội; 100% chi, tổ Hội có hội viên nòng cốt. Số cơ sở Hội đạt vững mạnh tăng, vượt chỉ tiêu Đại hội. Nhiệm kỳ 2013 - 2018, đã kết nạp được 28.437 hội viên mới, đưa tổng số hội viên lên con số 295.029 người.

Nội dung, phương thức hoạt động cũng như công tác chỉ đạo và điều hành của BCH Hội Nông dân các cấp có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, sát với hội viên, nông dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân. Hội Nông dân các cấp đã bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và chủ động phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân.

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi” đã trở thành một hoạt động có sức lan toả, tác động tích cực đến đời sống của nông dân Thái Bình. Xin ông chia sẻ sâu hơn về điều này?

- Phong trào “Nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là hoạt động trọng tâm được Hội Nông dân Việt Nam phát động gần 30 năm qua. Tại Thái Bình, phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Để tạo động lực cho phong trào, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều chương trình phối hợp với các sở, ngành để tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, chuyển giao tiến bộ KHKT, cơ chế ưu đãi về vốn, các mô hình điểm… nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hàng nghìn lớp chuyển giao kỹ thuật cho trên 250.000 lượt người. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện ủy thác, tín chấp giải ngân hàng nghìn tỉ đồng cho trên 60.000 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; huy động và tạo nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 23 tỉ đồng.

Phong trào đã trở thành động lực thúc đẩy ý chí vươn lên làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân. Nhiều gia đình hội viên, nông dân đã mạnh dạn đột phá về tư duy kinh tế, chủ động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Đã xuất hiện nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, giải quyết hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm...

Bên cạnh những mặt nổi bật, điều gì còn khiến ông trăn trở trong hoạt động của Hội cũng như đời sống của hội viên, nông dân?

- Có một thực tế là, công tác Hội và phong trào nông dân vừa qua còn nhiều khó khăn, bất cập. Quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, bên cạnh những mặt thuận lợi, nông dân đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất hàng hóa, làm ra sản phẩm nhưng tiêu thụ khó khăn; năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh kém...

Bên cạnh đó, thiên tai, rủi ro thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của nông dân. Tình trạng phân hóa giàu nghèo dẫn đến điều kiện hưởng thụ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội của một bộ phận nông dân còn hạn chế...

Mặt khác, công tác tổ chức, xây dựng Hội cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Nội dung, phương thức của công tác tổ chức Hội và phong trào nông dân đổi mới chưa kịp thời, chưa đáp ứng với yêu cầu mới. Tính chủ động, sáng tạo, sức phấn đấu của một bộ phận cơ sở, chi tổ hội chưa cao. Đội ngũ cán bộ trình độ, năng lực chưa ngang tầm, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Các phong trào hành động của nông dân có lúc, có nơi còn dàn trải, chưa sâu; tính hiệu quả đôi lúc chưa cao.

Truớc thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, ông có điều gì gửi đến các hội viên, nông dân tỉnh nhà?

- Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp Hội và giai cấp nông dân Việt Nam, nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua; xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và phong trào nông dân trong thời kỳ mới, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Hội Nông dân Việt Nam.

Gần 90 năm đồng hành cùng đất nước, nông dân Việt Nam với truyền thống cách mạng vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; trí thông minh và sáng tạo luôn dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất. Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, hội viên nông dân và giai cấp nông dân Thái Bình đoàn kết, quyết tâm phát huy ưu điểm vừa qua, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho gia đình và quê hương, đất nước, đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Tùng (thực hiện)