Nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu

Thứ bảy, ngày 18/05/2013 10:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hầu hết chuyên gia đều kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Việc điều hành, quản lý quỹ này không minh bạch, tính vào giá bán xăng dầu là vô lý, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Bình luận 0

Bộ Công Thương thì cho rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã đưa ra một số công cụ kinh tế rõ ràng hơn, thay vì biện pháp hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên xóa bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu.

"Tròn trịa đến độ... không làm nổi"!

Tại Hội thảo về sửa đổi Nghị định 84 diễn ra tại Hà Nội hôm qua (17.5), ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Chính sách và thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 84 nói: "Dự thảo mới đã đưa ra được công thức tính giá bao gồm các yếu tố gì một cách rõ ràng hơn. Bộ Tài chính thay đổi thuế thì phải công bố ra sao. Trích lập Quỹ Bình ổn giá (QBOG) xăng dầu như thế nào?...

img
Nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu vì quỹ này hoạt động thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ-Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN lại cho rằng, các điều khoản "cốt tử" của Nghị định 84 về thuế, giá, quỹ chưa được sửa đổi một cách rõ ràng tại dự thảo lần này.

Ông Ruệ nói: "Chúng ta vẫn chưa quy định được thuế xăng dầu phải ổn định, để tránh việc giá xăng dầu trong nước biến động một cách "khó hiểu". Năm 2010 ta tăng thuế 4 lần, 2011 tăng 3 lần 2012 tăng tới 7 lần, như vậy "thánh cũng không chỉ huy được giá xăng dầu".

Nếu áp thuế ổn định, thậm chí là tuyệt đối với xăng dầu thì quyền định giá của DN sẽ minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Thế Dũng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp nêu thực tế, cách điều hành thuế xăng dầu của ta quá "bùng nhùng". Quyết định tăng thuế xăng dầu mới đây nhất đã làm các DN "ngã ngửa" vì thời điểm tăng thuế không phải là thời điểm văn bản có hiệu lực mà lại có hiệu lực trước đó 1 ngày.

"Chúng tôi gặp rắc rối vì hàng đã nhập, hóa đơn đã xuất. Chưa kể, từ đầu năm đến nay, tần suất điều chỉnh thuế dày đặc khiến tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí cho DN. Tăng thuế thì nhanh, giảm thuế thì khó và chậm"- ông Dũng nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cũng than, nhiều điều khoản của dự thảo quá "tròn trịa" đến độ DN... không làm nổi. Chúng tôi đã kiến nghị phải ổn định thuế xăng dầu hơn 10 năm nay rồi, Bộ cũng thấy hợp lý mà không thấy thực hiện. “Ổn định thuế đơn giản, dễ hiểu, minh bạch tại sao ta cứ "bí"?”- ông Bảo băn khoăn.

DN đề xuất điều chỉnh giá trong 10 ngày

Tại hội thảo, hầu hết chuyên gia đều kiến nghị bỏ QBOG xăng dầu. Ông Ruệ cho rằng, việc điều hành, quản lý quỹ này không minh bạch, tính vào giá bán xăng dầu là vô lý, gây bức xúc cho người tiêu dùng; việc hướng dẫn sử dụng quỹ cũng chưa đến nơi đến chốn.

Nếu còn tồn tại quỹ này thì dự thảo phải tính để quỹ ở đâu, khi nào sử dụng, ai quản lý phải rõ ràng. Ông Bảo cũng nêu quan điểm nên chuyển QBOG thành quỹ dự phòng dao động lớn của DN, bắt DN phải hình thành với 0,5% doanh thu của DN. Quỹ này phải chắc chắn là quỹ của DN chứ không phải quỹ của dân.

Hầu hết ý kiến tại hội thảo cũng nghiêng về phương án 1 trong 3 phương án quy định về giá của dự thảo lần này, nhưng vẫn có không ít băn khoăn. Ông Nguyễn Thế Dũng nói: "Quy định 15 ngày mới được điều chỉnh giá là quá xa so với biến động giá xăng dầu, bởi có thể dẫn đến giá cơ sở và giá bán đã bị chênh lệnh lớn". Theo ông Dũng, nếu giảm giá có thể 3 ngày, 5 ngày DN cũng làm được, nhưng tăng giá cũng phải được điều chỉnh trong thời gian ngắn hơn, có thể là 10 ngày.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng phân tích: Nếu quy định 10 ngày DN mới được tăng giá thì mỗi năm tối đa DN được điều chỉnh giá 36 lần và 1 tháng 3 lần. "Khoảng thời gian và mức tăng nếu được sửa như vậy sẽ vừa tránh được đầu cơ, tránh được tác động xấu do việc tăng giá xăng dầu tới nền kinh tế và người dân sẽ dễ chấp nhận hơn"- ông Bảo nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long: Chỉ là “bình mới rượu cũ”

Phương án giá 1 của dự thảo nếu được áp dụng sẽ rất phi thị trường. Không ai định giá lại chia ra làm 3 bước như vậy. Phương án 1 cơ bản vẫn là theo Nghị định 84, không có gì mới mà chỉ là rút ngắn tần suất, biên độ điều chỉnh giá cho DN mà thôi. Nghị định 84 quy định: Biến động giá 7-10% thì DN định giá ra sao, 10-12% hay trên 12% thì như thế nào. Nay sửa đổi rút xuống còn 5% thì cũng chỉ như "bình mới rượu cũ" mà thôi.

Nếu cứ để DN định giá thì sẽ lại diễn ra cảnh tăng nhanh giảm chậm mà thực tế đã xảy ra. Và dù với biên độ 3% hay 5% thì cũng dễ dẫn tới tình trạng DN chia nhỏ ra mà tăng giá. Tôi cho rằng, Nhà nước phải áp dụng giá trần cho xăng dầu mới được. Với sản phẩm còn độc quyền thì phải do Nhà nước định giá. Ngay việc cho phép 10-15 ngày được điều chỉnh giá 1 lần thì một năm DN đã có thể điều chỉnh giá tới 36 lần-một con số khủng khiếp.

Mai Nguyễn (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem