“Nền kinh tế của chúng ta kém năng động, triệt tiêu sự sáng tạo”

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 19/04/2019 16:00 PM (GMT+7)
“Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế rất kém năng động. Chính vì thế, chúng ta không có ngành nghề mới. Thể chế vẫn làm theo quy định, tiến theo quy trình. Với cách quản lý đó đã làm triệt tiêu hết sự sáng tạo cần thiết. Trong khi đây là nguồn lực lớn nhất hiện nay", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Bình luận 0

Đây là một trong số băn khoăn được TS. Nguyễn Đình Cung đặt ra tại một hội thảo về Kinh tế vĩ mô Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có tên “Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định”.

Những yếu tố bất định đang chờ đợi kinh tế Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), đã chỉ những yếu tố bất định với kinh tế Việt Nam trong quý I.2019.

img

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM)

Đó là tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Thậm chí, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật liên quan còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Điều này diễn ra trong bối cảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

“Tại sao Chính phủ yêu cầu cải cách, các Bộ, ngành cũng nêu cải cách, cắt giảm giấy phép con, giảm điều kiện kinh doanh tại sao doanh nghiệp phá sản vẫn cao? Đây là sự bất hợp lý, mâu thuẫn chính sách và thực tiễn cần nghiên cứu, đánh giá để có góc nhìn chính xác hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

“Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ”.

Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh ở quý 1 của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm sự lạc quan. Bài toán “muôn thuở” vẫn còn nguyên đó là những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp luôn vấp phải trong qua trình gia nhập thị trường. Ngoài ra, vấn đề lớn nhất vẫn đang tồn tại trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch.

Một yếu tố khác được ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ, đó là tình trạng căng thẳng thương mại trong khu vực.

“Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác, chẳng hạn Nhật Bản”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

“Chúng ta thiếu thị trường, thừa nhà nước, nên phải cải cách nhiều hơn"

TS. Nguyễn Đình Cung bộc bạch, bản thân ông cảm thấy không vui khi trước nhận xét Việt Nam đang tăng trưởng tốt nhất, hay cao nhất thế giới. Bởi nhìn sâu vào chất lượng tăng trưởng sẽ thấy nhiều vấn đề.

Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng GDP/người 5%/năm, Việt Nam rất khó có thể thu hẹp nhanh khoảng cách và trình độ phát triển với các quốc gia mà Việt Nam muốn đuổi kịp.

Ông Cung nhận xét: “Trung Quốc có hơn một thập kỷ duy trì tăng trưởng cao trên 10%, điều này khiến GDP của họ tăng cao, GDP bình quân/người của họ hiện gấp 4 lần Việt Nam. Chúng ta có tăng trưởng nhưng chưa cao lại chưa ổn định nên gia tăng GDP rất khó”.

img

TS. Nguyễn Đình Cung

Đối với vấn đề cải cách kinh tế, Nghị quyết số 02 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hàn vào ngày đầu năm mới 2019, có thêm 2 chữ “bứt phá” để kỳ vọng vào sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Song hết quý I.2019, mọi việc vẫn giữ nguyên, không nhìn thấy sự thay đổi.

TS. Nguyễn Đình Cung, lo lắng: “Chúng ta thiếu thị trường, thừa nhà nước, nên phải cải cách nhiều hơn nữa. Đang rất nhiều nhóm lợi ích đan xen nhau, nên cải cách là va vào các nhóm lợi ích, nên cực kỳ khó cho cải cách”.

Ông Cung cho biết thêm: “Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế rất kém năng động. Chính vì thế, chúng ta không có ngành nghề mới. Thể chế vẫn làm theo quy định, tiến theo quy trình. Với cách quản lý đó đã làm triệt tiêu hết sự sáng tạo cần thiết. Trong khi đây là nguồn lực lớn nhất hiện nay".

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, trong bối cảnh Các mạng Công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, các Bộ, ngành phải suy nghĩ tích cực về cái mới, bởi sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất để giúp đất nước phát triển. Và lợi thế đối với Việt Nam là được xuất phát từ con số 0 nên rất dễ làm, năng lực của người Việt có khả năng tận dụng được đổi mới sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới.

Nhưng đề xuất của ông Cung cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

"Khả năng sáng tạo của các địa phương rất thấp. Chúng tôi đi khảo sát, nói chuyện một số địa phương, họ nói thực tế là họ ngại làm, ngại sáng tạo, ngại đổi mới. Như vậy, nếu không mở ra dư địa và không gian đổi mới, cải cách ở cả địa phương và trung ương thì sẽ không có những sáng tạo", TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem