Nét đẹp ngày xuân ở ngôi chùa đặc biệt tại Huế, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh yên nghỉ

Chùa Từ Hiếu được hình thành vào năm 1848, đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất xây dựng từ thời nhà Nguyễn, sở hữu nhiều kiến trúc độc đáo với những nét kiến trúc mang đậm chất xứ Huế.

Từ lúc xây dựng chùa đến hiện tại, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn luôn giữ nét tôn nghiêm, trầm mặc vốn có, trải qua biết bao thời gian.


Chùa Từ Hiếu nổi bật với sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc cung đình với sự giản dị, trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng giữa khu rừng thông xanh mát bên cạnh con suối nhỏ trong vắt.

Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am do tổ sư Nhất Định lập nên sau một thời gian ông chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già tại đây. Câu chuyện được tương truyền rằng, thời xưa khi mẹ của tổ sư Nhất Định bị ốm nặng, ông thường xuyên chống gậy vượt đèo dốc để bắt cá, mua thịt về bồi dưỡng cho mẹ.

Người thường nhìn thấy vậy liền kỳ thị ông cho rằng tu hành mà lại ăn mặn nhưng ông đều bỏ ngoài tai. Cho tới khi vua Tự Đức biết chuyện, phái hẳn người xuống điều tra thì rất cảm động trước câu chuyện phụ tử nên năm 1848 đã cho mở rộng thành chùa Từ Hiếu như ngày nay.

Không chỉ gắn liền với câu chuyện cảm động về đạo hiếu, ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ và khung cảnh thiên nhiên của chốn nước non như lạc vào chốn bồng lai hư ảo, mang lại cảm giác thoải mái, tịnh tâm khi đến đây.

Chùa Từ Hiếu nằm khuất mình giữa rừng thông bát ngát, có khe nước uốn quanh, tạo nên phong cảnh hữu tình. Lấy chữ “ Khẩu” để xây thành, cấu trúc ngôi chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường, hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lại lịch sử hình thành qua từng giai đoạn.


Điều khiến du khách không ít tò mò, chính là nghĩa trang, đây là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.

Không gian thờ tự uy nghiêm tại Từ Hiếu cổ tự. Đây còn được nhiều người biết đến vì là nơi yên nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi trở về Việt Nam.

Chuông lớn tại chùa Từ Hiếu.

Với địa thế đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, trái ngược với cuộc sống xô bồ của chốn thành thị, nên vào các ngày nghỉ chùa đón được lượng khách lớn đến tham quan, dã ngoại.

Những ngày giáp Tết, chùa Từ Hiếu thu hút rất đông các bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.

Du khách tham quan chiêm bái chùa Từ Hiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.