New Zealand cân nhắc lãi suất âm, Australia thúc đẩy khôi phục kinh tế

14/05/2020 05:29 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương New Zealand hôm 12/5 tuyên bố tăng gấp đôi chương trình mua trái phiếu như một phần nỗ lực nới lỏng định lượng, báo hiệu khả năng đưa lãi suất cơ bản xuống mức âm khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế.
New Zealand cân nhắc lãi suất âm, Australia thúc đẩy khôi phục kinh tế - Ảnh 1.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand gợi ý cân nhắc chính sách lãi suất âm trong tương lai

Ngân hàng Dự trữ New Zealand RBNZ đã giữ nguyên lãi suất chính sách OCR ở mức 0,25% như dự kiến trong phiên họp chính sách tiền tệ mới nhất, nhưng cam kết sẽ sử dụng các công cụ kích thích kinh tế bổ sung bao gồm cả cắt giảm lãi suất nếu cần. Dự kiến lãi suất 0,25% sẽ được duy trì đến đầu năm 2021 nhưng lãi suất âm sẽ là một lựa chọn được cân nhắc trong tương lai.

RBNZ cũng tuyên bố tăng gấp đôi quy mô chương trình mua trái phiếu như một phần nỗ lực nới lỏng định lượng QE để hỗ trợ nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch.

Chính sách tiền tệ mới nhất được đưa ra trong bối cảnh ngân hàng Dự trữ New Zealand dự báo GDP giảm 21,8% trong quý II/2020.

Đồng NZD đã giảm 0,6% sau thông báo mới nhất. Thị trường tài chính dự đoán cơ hội 100% cắt giảm lãi suất từ nay đến đầu năm 2021, và hơn thế nữa là ngụ ý lãi suất âm tới -0,06%. Dễ thấy, các cuộc thảo luận chính sách tiền tệ mới nhất đang chuẩn bị cho một chính sách lãi suất OCR âm.

Triển vọng chưa từng có của chính sách lãi suất âm xuất hiện khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng nhiều ngân hàng Trung Ương trên thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang FED có khả năng hành động tương tự trong bối cảnh giá tiêu dùng giảm, lạm phát dịch xa mức mục tiêu 2% và nền kinh tế chịu hệ lụy nặng nề bởi đại dịch.

Ngân hàng Trung Ương cũng lưu ý rằng chương trình mua tài sản quy mô lớn LSAP cần đủ lớn để giữ lãi suất thấp trên đường cong lợi suất. Do đó, Ngân hàng này đã mở rộng quy mô LSAP từ 33 tỷ NZD lên khoảng 60 tỷ NZD (tức 33,2 tỷ USD) cho đến nay.

New Zealand là một trong số ít các quốc gia ngăn chặn thành công sự lây lan dịch Covid-19. Dự kiến, hầu hết doanh nghiệp và văn phòng làm việc tại nước này sẽ mở cửa vào thứ Năm 14/5 sau nhiều tuần gián đoạn vì công tác kiểm soát dịch bệnh.

Tại quốc gia láng giềng Australia, các nhà chức trách cũng đang tìm cách dỡ bỏ từng phần các hạn chế và mở cửa trở lại nền kinh tế khi nước này “chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus” như lời Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann cho hay. “Số trường hợp nhiễm mới virus hiện nay là rất, rất thấp”, theo ông Cormann. Một số địa phương, trên thực tế không còn ca nhiễm Covid-19 nào.

Vị Bộ trưởng tài chính thừa nhận Australia vẫn đang kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh để phòng chống làn sóng bùng phát dịch thứ hai. Nhưng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hiện đã giảm xuống đáng kể. “Chúng tôi muốn đưa nền kinh tế khôi phục trở lại gần mức bình thường nhất có thể, theo cách an toàn nhất sau đại dịch Covid-19” - ông Cormann cho hay.

Dù vậy, cả New Zealand và Australia đều giữ tinh thần thận trọng sau sự gia tăng hàng loạt các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và Hàn Quốc - hai trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm soát thành công đại dịch hồi tháng 3.

Trong nỗ lực chống lại rủi ro suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng đại dịch, chính phủ Australia đã cam kết tung gói kích thích tài chính khổng lồ trị giá tới 320 tỷ AUD (tức 207 tỷ USD). Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Cormann ám chỉ các biện pháp kích thích như vậy là có giới hạn bởi “chúng tôi chắc chắn không muốn giữ các biện pháp cứu trợ lâu hơn mức cần thiết”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục