“Chúng ta sẽ định cư vĩnh viễn trên mặt trăng”, Phó thủ tướng Nga
Dmitri Rogozin, phụ trách quốc phòng và không gian, vừa phát biểu với
báo giới trong nước. Và đó không phải là lời nói suông khi Moscow đã
chuẩn bị kế hoạch chinh phục mặt trăng từ năm 2030 và giai đoạn đầu tiên
của dự án táo bạo này có thể bắt đầu trong vòng 2 năm nữa.
Đó là nội dung của báo cáo về kế hoạch do tờ Izvestia (Nga) thu thập
được. Chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch có Viện Hàn lâm khoa học Nga,
Cơ quan Không gian Liên bang (Roscosmos), Đại học Nhà nước Moscow và một
số cơ quan nghiên cứu không gian. Báo cáo nhận định: “Mặt trăng là đối
tượng thăm dò không gian của nền văn minh trái đất trong tương lai và ở
thế kỷ 21, có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh địa - chính trị để giành các
nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú trên mặt trăng”.
Chương trình 3 giai đoạn
Theo Izvestia, kế hoạch nói trên gồm 3 bước hướng tới mục tiêu đưa
người đồn trú trên mặt trăng. Giai đoạn đầu tiên dự kiến bắt đầu vào năm
2016 và kéo dài đến năm 2025 với nội dung sẽ đưa 4 xe tự hành lên mặt
trăng để thăm dò các vị trí xây dựng căn cứ. Theo báo cáo, địa điểm lý
tưởng là khu vực quanh các cực của mặt trăng do những nơi này có ánh
sáng liên tục. Cụ thể, sứ mệnh của giai đoạn đầu sẽ là thực hiện các
cuộc thử nghiệm thành phần vật lý và hóa học của regolith (hỗn hợp bụi
mỏng và các mảnh đá vụn, sản phẩm của sự va chạm giữa các thiên thạch
với bề mặt mặt trăng) và lượng nước cũng như rà soát khu vực cực nam.
Giai đoạn thứ hai dự kiến diễn ra hai năm 2029 - 2030, theo đó Nga sẽ
đưa phi thuyền chở hàng hạng nặng có người lái do Tập đoàn tên lửa đẩy
không gian Nga Energiya chế tạo đến quỹ đạo của mặt trăng. Giai đoạn thứ
ba sẽ được thực hiện từ năm 2030 - 2040. Trong giai đoạn này, các phi
hành gia sẽ đến thăm địa điểm được lựa chọn trên bề mặt mặt trăng để
khảo sát khu vực và thực hiện các chuẩn bị ban đầu cho việc xây dựng cơ
sở hạ tầng của căn cứ. Giai đoạn này cũng bao gồm việc khởi công xây
dựng một đài thiên văn theo dõi không gian và trái đất trên mặt trăng.
Chi phí ước tính cho giai đoạn đầu của chương trình sẽ là hơn 815
triệu USD, còn chi phí chế tạo phi thuyền có người lái khoảng 4,5 tỉ
USD. Vì thế, Izvestia dẫn lời một số quan chức Nga cho hay nước này sẽ
kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, kể cả từ nước ngoài, tham gia nhưng vẫn
bảo đảm sự độc lập của kế hoạch.
Cạnh tranh và nguy cơ
Báo cáo vừa được tiết lộ của Nga lưu ý rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật
Bản cũng xúc tiến những dự án chinh phục mặt trăng, Công ty Moon
Express của Mỹ đang chuẩn bị các bước đưa phi thuyền robot đầu tiên lên
mặt trăng vào năm tới để thăm dò khả năng khai thác tài nguyên. Từ đó,
một số chuyên gia lo ngại rằng mặt trăng có thể trở thành “chiến trường”
giữa các bên và không thể loại trừ các nguy cơ về quân sự và an ninh.
Không chỉ có Nga, nhiều cường quốc không gian khác cũng đang nhăm nhe thực hiện kế hoạch đồn trú trên mặt trăng? (Ảnh minh họa).
Theo website Indomitus.net, Hiệp ước không gian năm 1967
được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố
chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Nhưng dường như vẫn có
một sự phân chia ngầm giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh trên
lãnh thổ mặt trăng. Không tàu vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên mặt
trăng từ ngày 13.2.1966 đến 9.8.1976 đáp xuống bên trong một khu vực
hình ngũ giác được xác định bởi điểm đáp của các tàu vũ trụ Surveyor 1,
Surveyor 7, Apollo 11, Apollo 17 và Apollo 15 của Mỹ.
Ngược lại, trong
giai đoạn từ ngày 28.7.1964 đến 19.12.1972, không tàu Mỹ nào được đáp
trong lằn ranh được xác lập bởi các tàu Luna 9, Luna 2, Luna 21 và Luna
16 của Liên Xô. Sau đó, một số nước đề xuất Hiệp ước mặt trăng có hiệu
lực từ năm 1984 quy định mặt trăng là tài sản chung của nhân loại và
phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia. Tuy nhiên mới có 13 nước phê chuẩn
hiệp ước này. Trong số đó không có Ấn Độ, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đáng
chú ý là sau khi Trung Quốc đưa thành công xe tự hành Thỏ Ngọc lên mặt
trăng cuối năm ngoái, tờ The Beijing Times dẫn lời một số chuyên gia nói
nước này có khả năng lập căn cứ tại đây.
Được biết, theo tạp chí Forbes, mặt trăng có những mỏ vàng ròng, sắt, cobalt, titan và vonfram khổng lồ. Hơn nữa, mặt trăng được cho là chứa lượng lớn palladium, niobium, yttrium và dysprosium. Đây đều là những kim loại rất hiếm trên trái đất nhưng đóng vai trò không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, hiện diện trong vi mạch, xe hơi cho đến tên lửa liên lục địa và vũ khí laser. Đặc biệt, tài nguyên lớn nhất của mặt trăng là ít nhất 1 triệu mét khối khí helium-3, nguyên liệu sản xuất điện hạt nhân sạch và an toàn nhất. Helium-3 khá hiếm trên trái đất và được các chuyên gia đánh giá là nguồn năng lượng hoàn hảo có thể thay thế dầu mỏ lẫn khí đốt.
(Theo Thanh niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.