Nâng nguồn tin phát giác địa chỉ "ma" từ tổ dân phố để ngăn chặn tập kết hàng giả, hàng lậu

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 16/04/2023 17:21 PM (GMT+7)
Tình trạng giả địa chỉ để kinh doanh online, trà trộn hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ hay nghiêm trọng hơn là lừa tiền khách mua hàng, lừa shipper đã từng bị cảnh báo.
Bình luận 0

Lập địa chỉ "ma" chiếm lòng tin và nguy cơ mua phải hàng giả

Trên nền tảng thương mại điện tử, trang mạng điện tử... hoạt động ngày càng nhộn nhịp. Các kênh bán sẽ chốt đơn, đóng gói sau đó sử dụng đơn vị trung chuyển để giao hàng đến tay người đặt theo hình thức ship code. Trung bình mỗi ngày, có hàng nghìn đơn hàng được chốt, đóng và vận chuyển theo phương thức trên đến tay khách hàng. Đi kèm những thông tin quảng cáo hấp dẫn về sản phẩm trên các tài khoản, chủ hàng cũng như cam kết 100% hài lòng, cam kết chất lượng, giá cả hợp lý nhất... với những hình ảnh uy tín về nơi trưng bày, kho lưu, xưởng sản xuất uy tín. 

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến nêu cảnh báo do các chủ hàng lợi dụng thói quen mua hàng trực tuyến, không kiểm tra cửa hàng thực của người tiêu dùng để cố tình đưa ra thông tin "ảo" nhằm chiếm lòng tin của khách hàng. Nhưng thực tế là hàng trà trộn, làm giả, làm nhái hoặc không rõ xuất xứ. Nghiêm trọng hơn, đã có các vụ "mượn" vị trí cửa hàng để lừa tiền khách mua hàng, lừa shipper.

Như trường hợp một kênh tự giới thiệu chuyên về hàng nội địa Đức địa chỉ tại số 1, ngõ 78 đường Duy Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Trên website và kênh facebook, chủ hàng dẫn theo hình ảnh hàng hóa trưng bày trên kệ như một siêu thị. Thế nhưng khi phóng viên thực hiện khảo sát lại không thể tìm được cửa hàng như quảng cáo.

Nâng nguồn tin phát giác địa chỉ "ma" từ tổ dân phố để ngăn chặn tập kết hàng giả, hàng lậu - Ảnh 1.

Liên hệ với số điện thoại của chủ hàng, phóng viên nhận được giải thích rằng địa chỉ trên website là kho tập kết trên chung cư, hàng hóa chỉ bán online. Chủ hàng cũng từ chối đề nghị cho thăm quan kho hàng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số kênh bán hàng khác mà phóng viên thực hiện khảo sát.

Mới đây, ngày 15/4/2023, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và thu giữ 1.640 chiếc quần kaki có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour và hình - một thương hiệu thời trang được ưa chuộng tại Mỹ, đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Hàng hóa này được tập kết bên trong một căn nhà không số, không biển hiệu nằm trên đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM. Trên diện tích khoảng 50m2 của căn nhà không số, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 1.640 chiếc quần kaki có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour và hình đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình cho lực lượng chức năng giấy đăng ký kinh doanh ở một địa chỉ khác so với địa điểm đang được kiểm tra. Các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng đều không có.

Thông tin từ lực lượng chức năng cho biết, đây là kho lưu hàng để bán online qua các tài khoản facebook "Xưởng may Thư Duyên", "Xưởng May Thư Duyên 5". Theo tìm hiểu, hiện nay trên thị trường, giá của một chiếc quần chính hãng Under Armour từ 1,2 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn tại cơ sở này, mỗi chiếc quần được quảng cáo mang thương hiệu trên có mức giá từ  129.000 - 169.000 tùy dáng dài hay ngắn. Như vậy, mức giá chỉ bằng 1/10 so với hàng chính hãng.

Nâng nguồn tin phát giác địa chỉ "ma" từ tổ dân phố để ngăn chặn tập kết hàng giả, hàng lậu - Ảnh 2.

Kho hàng giả trong căn nhà không số vừa bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện. (Ảnh: Quyên Lưu)

Phát giác vi phạm từ cấp cơ sở để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Văn Đạm cho rằng, cần giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát. Đặc biệt, trong tình hình mới, hoạt động kinh doanh hàng hóa trái phép trên nền tảng số bằng các hình thức mạng xã hội, Zalo, Facebook sẽ ngày càng phức tạp…

Do đó, đòi hỏi lực lượng chuyên ngành phải có khả năng thích ứng công nghệ thông tin đấu tranh phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại. Việc này nhằm đảm bảo kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm.

Việc triển khai giải pháp cũng cần thực hiện từng bước từ Ban chỉ đạo 389 cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và tổ trưởng tổ dân phố, thôn, xóm vào cuộc tham gia công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Phát hiện hành vi tập kết, lập kho chứa hàng hóa vi phạm ngay từ cơ sở và thành nguồn tin báo với lực lượng chức năng.

Mặt khác, Ban chỉ đạo 389 cấp huyện cần tham mưu Chủ tịch UBND báo cáo thường trực huyện ủy, thường trực HĐND huyện đưa nội dung công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vào nghị quyết, chương trình công tác của thường trực huyện ủy, HĐND huyện hàng năm.

Hàng năm thực hiện tốt công tác đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của các thành viên BCĐ, các phòng, ban đơn vị, cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn. Biểu dương, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt là thường xuyên chú trọng công tác bảo vệ nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bao che, dung túng, tiếp tay, bảo kê cho hoat động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại của các cán bộ, chiến sỹ, công chức thuộc các đơn vị chức năng trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem