Ngân hàng “mặc cả” điều kiện giảm lãi suất

Trần Giang Thứ hai, ngày 09/05/2016 13:08 PM (GMT+7)
Phát đi thông điệp sẽ giảm lãi suất, nhưng nhiều ngân hàng đã “mặc cả” với tân Thống đốc về những điều kiện để họ có thể giảm lãi suất.
Bình luận 0

img

Cần phải giảm lãi suất cho vay

Trao đổi với Dân Việt, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng chúng ta vẫn có điều kiện để hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, kể cả trung dài hạn xấp xỉ 1%.

Ông Phước phân tích, chúng ta cần đặt vấn đề lãi suất trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập. Những nền kinh tế đầu tầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp khó khăn. Chính họ đang phải tiếp tục đưa ra những gói nới lỏng định lượng, cũng như hạ lãi suất, thậm chí Ngân hàng Trung ương Châu Âu còn chuyển sang lãi suất bằng 0 hoặc âm.

“Việt Nam không kỳ vọng lãi suất âm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đã được ổn định, lạm phát xuống thấp, năm 2014 là 1,8% năm 2015 là 0,63%. Đó là điều kiện khách quan để hạ lãi suất”, ông Phước phân tích.

Tuy nhiên, thị trường tài chính của Việt Nam còn rất non trẻ và chưa tự do hóa thị trường vốn, cho nên các dòng vốn bên ngoài khó khăn đầu tư trên các thị trường.

“Điều đó, khiến cho dòng vốn đầu từ gián tiếp vào Việt Nam vẫn gặp những trở lực, mà trở lực đầu tiên là niềm tin. Bởi vì chúng ta đều biết các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng đầu tiên vào lạm phát thấp, sau đó là ổn định tỷ giá. Đó là những điều kiện khách quan, chủ quan để chúng ta xem xét lại lãi suất của VND”, ông Phước phân tích.

Ông Phước cho rằng, không phải quá lo ngại về việc dòng tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp không chảy vào ngân hàng khi giảm lãi suất. “Nếu không chảy vào ngân hàng, dòng tiền đó sẽ dịch chuyển vào thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán có bước khởi sắc, sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và dòng vốn bên ngoài sẽ đổ vào thị trường”, ông Phước phân tích.

Ông Phước nhấn mạnh cần phải giảm lãi suất cho vay, vì như vậy sẽ tạo áp lực kéo giảm lãi suất huy động. “Có thể việc giảm lãi suất sẽ khiến hệ thống ngân hàng không được hưởng lợi nhiều từ hoạt động tín dụng. Hệ thống ngân hàng sẽ không còn được hưởng lợi thuần túy từ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay nhưng sẽ được hưởng lợi trên lãi suất ròng”, ông Phước phân tích.

Ngân hàng “mặc cả”

Tuy vậy, từ phía thị trường, nhiều chuyên gia và ngân hàng phản hồi về việc giảm lãi suất có nhiều hạn chế, nhất là dự báo lạm phát năm nay khoảng mức 3-5%, khá cao so với mức 0,63% năm 2015. Với lạm phát tăng, kỳ vọng lãi suất huy động cao của thị trường, người dân, doanh nghiệp sẽ tăng lên, điều này khiến ngân hàng khó giảm vốn đầu vào.

Theo khảo sát của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), tính đến cuối tháng 4.2016, lãi suất cho vay bình quân  kỳ hạn ngắn là từ 6-9%/năm, lãi suất trung dài hạn là từ 9-11%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay bình quân là 9,37%/năm, trong đó, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn là 8,96%/năm và cho vay trung dài hạn là 10,5%/năm. 

Theo HSC, hiện các ngân hàng có những hạn chế về khả năng giảm lãi suất do tỷ lệ NIM (tỷ lệ lãi cận biên-tỷ lệ lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM) được xác định bằng tổng doanh thu từ lãi trừ tổng chi phí trả lãi (thu nhập lãi thuần) trên tổng tài sản có sinh lời bình quân) bình quân của các ngân hàng niêm yết hiện ở mức thấp là 2,5-3%.

“Ngoài ra, lãi suất cho vay đang trong xu hướng tăng từ đầu năm với lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 4 tăng 0.2% so với đầu năm. BIDV, cho rằng lợi nhuận năm nay có thể giảm 400-500 tỷ đồng nếu lãi suất cho vay đồng loạt giảm. BIDV xem xét mức giảm lãi suất tối đa là 1% và chỉ khi NHNN hỗ trợ NHTM bằng việc nới lỏng các yêu cầu chẳng hạn như tỷ lệ dự trự bắt buộc”, HSC phân tích.

HSC cho rằng, NHNN có thể sẽ phải hoãn áp dụng quy định mới để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất. “Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel II và nội dung dự thảo Thông tư 36 sửa đổi về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay. Nếu Chính phủ muốn nới lỏng chính sách tiền tệ thì khó có thể đồng thời siết chặt các quy định”, HSC bình luận.

Mới đây, trong cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng với mức lãi suất cho vay bình quân 8,5% một năm, tỷ lệ NIM của các ngân hàng rất thấp, chỉ khoảng 0,69%. Do đó, các ngân hàng cho rằng, để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới cần phải có một số chính sách hỗ trợ chứ không chỉ mỗi ngân hàng mà làm được.

Một trong những "điều kiện" đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Theo ông, nên tiết giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ thanh toán cũng nên là 8% thay vì là 10% như theo dự thảo Thông tư 36.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem