Thông tin này được ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho biết tại tọa đàm "Khơi thông vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mùa cuối năm", tổ chức hôm nay (29/10) tại TP.HCM.
Theo ông Minh, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành ngân hàng đưa ra các chính sách như Thông tư 01, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay ưu đãi mới. Nói thêm về hỗ trợ lãi suất cho vay, ông Minh cho hay đối với cho vay ngắn hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay hiện nay là đang ở mức thấp nhất.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cập nhật sau 6 tháng triển khai, ước tính đã hỗ trợ được hơn 248.000 khách hàng trên địa bàn TP, với tổng cộng dư nợ hơn 727.000 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất vay chiếm một phần nhỏ. Ông cho rằng đây là sự đồng hành các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính để từng bước khôi phục, đẩy hoạt động kinh doanh.
"Chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM từ đây đến cuối năm không được nói thiếu vốn cho vay. Nhu cầu vốn cuối năm là rất lớn, các tổ chức tín dụng không được nói là thiếu nếu như các doanh nghiệp có phương án kinh doanh", ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2020 của TP.HCM là 14%, tính tới tháng 10 này đã ghi nhận 6%, cao hơn mức bình quân của cả nước và còn lại khoảng 8% để hoàn thành.
"Với dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại, tính trên dư nợ cho vay của TP thì ước tính còn khoảng 200.000 tỷ để các ngân hàng cho vay cuối năm. Một số ngân hàng đã hết hạn mức cho vay thì liện hệ Ngân hàng Nhà nước để được xem xét hỗ trợ", ông Minh nói rõ.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng để vay vốn thời gian qua là không phải dễ, các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp để vay vốn, còn lại tín chấp hay vay dự trên sản phẩm hình thành trong tương lai ngân hàng vẫn cho là rủi ro.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Bản Việt, cho rằng rào cản lớn nhất ảnh hưởng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là triển khai phương án hiệu quả kinh doanh.
"Nếu khả thi và ngân hàng thấy được cơ cấu dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng cho vay bởi hiện tại vẫn không thiếu vốn. Cuối năm, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nông nghiệp", ông Nhân nói.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần công khai minh bạch dòng tiền, tạo điều kiện cho ngân hàng quản lý dòng tiền thì việc giải ngân sẽ dễ dàng hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.