Ngân hàng trả thù lao cao nhất Việt Nam: 54,3 triệu đồng/tháng

03/06/2020 12:25 GMT+7
Một ngân hàng ngoại đã vượt qua Vietcombank, MBB, Techcombank và TPB để trở thành ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam với con số lên đến 54,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019.

Ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam

Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2019. Một trong những thông tin đáng chú ý nhất chính là mức lương cao ngất ngưởng của nhân viên HSBC Việt Nam. Theo đó, HSBC vượt qua Vietcombank, MBB, Techcombank và TPB để trở thành ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.

Cụ thể, dù chỉ tiêu kinh doanh đi lùi nhưng HSBC vẫn tăng lương cho người lao động. Trong năm 2019, mỗi nhân viên HSBC có mức lương 494 triệu đồng/năm, tương đương 41,2 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với mức 36,6 triệu đồng/người/tháng của năm 2018.

Cùng với lương, HSBC cũng đẩy mạnh chi thưởng giúp tổng thu nhập năm 2019 của mỗi nhân viên đạt 652 triệu đồng/người/năm, tương đương 54,3 triệu đồng/người/tháng, cải thiện nhiều so với con số 50,3 triệu đồng/người/tháng của năm 2018.

Ngân hàng trả thù lao cao nhất Việt Nam: 54,3 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

HSBC Việt Nam trở thành ngân hàng trả thù lao cao nhất hệ thống với con số 54,3 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý chính là trong năm 2019, HSBC lại giảm nhân sự. Tại thời điểm cuối năm, HSBC chỉ còn 1.408 nhân sự, giảm 30 người so với cuối năm 2018.

Nợ xấu thấp nhưng đẩy mạnh trích lập dự phòng

Nợ xấu tại HSBC đang tăng nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức rất thấp so với các ngân hàng nội. Thế nhưng, HSBC vẫn gây bất ngờ khi đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2019, nợ xấu tại HSBC đạt 343 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 332 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ đạt 0,71%. Dù vậy, trong năm, HSBC chi tới hơn 112 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng rất mạnh so với gần 60 tỷ đồng của năm 2018.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 100% đã khiến tăng trưởng lợi nhuận tại HSBC trong năm 2019 là con số âm bất chấp các chỉ tiêu hoạt động khác đều được cải thiện mạnh. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận sau thuế năm 2019 giảm 94 tỷ đồng, tương đương 3,8% so với năm 2018.

Năm qua, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tại HSBC tăng 436 tỷ đồng, tương đương 11,5% so với năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, ngoại hối và chứng khoán kinh doanh lần lượt tăng từ 783 tỷ đồng lên 837 tỷ đồng, từ 672 tỷ đồng lên 680 tỷ đồng và từ 8,7 tỷ đồng lên 17,4 tỷ đồng.

Hoạt động khác cũng có bước tiến mạnh khi mang về khoản lợi nhuận 116 tỷ đồng. Năm 2018, con số này chỉ là 56,9 tỷ đồng.

Chỉ có duy nhất hoạt động chứng khoán đầu tư không mang lại đồng lợi nhuận nào dù năm ngoái hoạt động này lãi tới gần 185 tỷ đồng. Cùng với trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế tại HSBC đi lùi.

Lãi suất siêu thấp vẫn hút tiền gửi

Khác với các ngân hàng trong nước có mức lãi suất tiền gửi 4,25%/năm (áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng) và từ 7% đến 9,4% cho các kỳ hạn dài hơn, HSBC áp dụng chính sách lãi suất siêu thấp. 

Theo đó, lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống tại HSCB chỉ dao động trong khoảng 0,1%/năm - 1,75%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại HSBC chỉ là 2,75%/năm, áp dụng cho 4 kỳ hạn: 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Dù áp dụng chính sách lãi suất huy động thấp nhưng trong năm 2019, HSCB vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt về huy động. Tại thời điểm cuối năm, chỉ tiêu Tiền gửi của khách hàng đạt 109.909 tỷ đồng, tăng 24.837 tỷ đồng, tương đương 29,2% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng rất cao.

Cùng với sự gia tăng của tiền gửi, tín dụng tại HSCB cũng được cải thiện đáng kể. Tại ngày 31/12/2019, chỉ tiêu Cho vay khách hàng tại HSBC đạt 48.208 tỷ đồng, tăng 3.504 tỷ đồng, tương đương 7,8%. Tín dụng tăng trưởng mạnh hơn nợ xấu cho thấy chất lượng nợ tại HSBC khá tốt. Vì vậy, rất ngạc nhiên khi HSBC mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản tại HSBC đạt 125.167 tỷ đồng, tăng 24.434 tỷ đồng, tương đương 24,3% so với năm 2018.

HSBC cũng đã công bố một số chỉ tiêu hoạt động khác. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn nguồn vốn huy động đạt 41% (năm 2018 là 49%), Số dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ là 0,63% giảm so với con số 0,88% năm 2018, Số dư nợ xấu/Tổng dư nợ là 0,34% (năm 2018 là 0,44%).

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục