Ngành du lịch "chảy máu", kinh tế Thái Lan ảm đạm do dịch Covid-19

04/04/2020 18:57 GMT+7
Kinh tế Thái Lan lâu nay luôn được hưởng nguồn lợi khổng lồ từ ngành du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2019, có đến 40 triệu lượt khách đến nước này, kéo theo doanh thu lớn với hoạt động và dịch vụ du lịch. Nhưng khủng hoảng đại dịch toàn cầu đã vẽ lên số phận khác cho nền kinh tế xứ Chùa Vàng.
Ngành du lịch "chảy máu", kinh tế Thái Lan ảm đạm do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thái Lan hiện đã có tổng số 1.771 ca nhiễm bệnh, 1 ca tử vong vì dịch Covid-19

Ngành du lịch Thái đóng góp hơn 109 tỷ USD cho GDP vào năm 2018, theo Hội đồng Du lịch Thế giới, tương đương với 20% tổng GDP. Viện nghiên cứu Kasikorn ước tính nếu đại dịch kéo dài đến tháng 9, Thái Lan sẽ mất tương đương 12,1 tỷ USD.

Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid-19, chính phủ nước này loay hoay tìm đến biện pháp chính sách, nhưng không ngăn được nguồn thu lao dốc. Trước đó, khách du lịch nước ngoài được yêu cầu trình diện tại đại sứ quán Thái Lan với giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 trước khi lên máy bay đến Thái. Sau khi quốc gia này công bố tình trạng khẩn cấp, cửa khẩu được lệnh đóng với tất cả khách du lịch nước ngoài, thậm chí công dân nước này ở nước ngoài, cùng với việc đóng cửa hoàn toàn các trung tâm vui chơi giải trí. Phuket, thành phố du lịch nổi tiếng cũng công bố giới nghiêm giữa 8h tối đến 3h sáng.

Chính sách kinh tế nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch được ngày càng chú trọng. Vào ngày 10/3, chính phủ nước này công bố gói kích hoạt trị giá 12,7 tỷ USD tương đương 2,5 % GDP, bao gồm miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp và gói hỗ trợ trị giá 20.000 baht cho nhân công chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng giảm lãi suất cơ bản xuống 0,75% vào ngày 20/3 trong nỗ lực xoa dịu thiệt hại dịch bệnh.

Nền kinh tế Thái Lan vốn đã có dấu hiệu sụt giảm trước khi đại dịch bùng nổ, với mức tăng trưởng chỉ 2,4% trong năm 2019, mức thấp nhất kể từ 2014. Năm nay chắc chắn sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đi xuống hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế nói chung trong giai đoạn 2009-2019 của Thái Lan bình quân 3,6%, thấp hơn hẳn một số quốc gia trong khu vực như Việt Nam (6,5%) và Philippines (6,3%) hay Malaysia (5,3%). Hiện chỉ một số nhỏ các tập đoàn lớn, doanh nghiệp gia đình và nhà nước độc quyền cả nền kinh tế này, dẫn đến không có đối thủ cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới. 

Tỷ lệ đói nghèo tăng lên trong vài năm trở lại đây, 1/10 dân số hiện sống với thu nhập ít hơn 2,85 USD/ngày. Tiêu thụ trung bình giảm trong năm 2017-2018 trong khi nợ hộ gia đình chiếm khoảng 80% GDP và là một trong những chỉ số cao nhất ở Châu Á. 1/3 nguồn lao động vẫn làm nông nghiệp, vốn cũng không chứng kiến mức tăng trưởng kì vọng, do hạn hán kéo dài trong nhiều thập kỉ. Nhân khẩu học nước này cũng không còn thu hút đầu tư như trước: dân số già hóa, đến năm 2050, 25% dân số Thái sẽ già hơn 65 tuổi, trong khi Pháp cần đến 16- năm để số dân trên 65 tuổi tăng từ 7% đến 21%. Trong khi người già không có tiền tiết kiệm khi về hưu, họ buộc phải phụ thuộc vào con cái. 

Chi phí lao động thấp ở Thái từng là điểm sáng thu hút nhà sản xuất xe hơi, gang thép và các công ty khác đến xây nhà máy, nhưng sức cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực đã giảm mạnh, do lương trung bình của công nhân Thái vẫn cao hơn so với công nhân một số nước như Việt Nam. Vào tháng 11/2019, Mazda, nhà sản xuất xe hơi Nhật chuyển nhà máy sản xuất SUV về Nhật. Vào tháng 2/2020, General Motor cũng rút hoạt động sản xuất khỏi Thái Lan. 

Tất cả những yếu tố này hiện là thử thách với chính phủ nước này. Tuy nhiên, Thái Lan hiện có một vài lợi thế trong việc đối phó với đại dịch. Hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát đồng nghĩa với việc người dân nước này có thể tiếp cận cơ sở vật chất y tế tốt hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác. Hiện Thái Lan cũng đang tăng cường thúc đẩy xây dựng thêm đường ray, và sân bay gần Bangkok nhằm thúc đẩy du lịch và hoạt động kinh tế trong tương lai.

Vân Anh
Cùng chuyên mục