Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid-19: Cuộc cách mạng sẽ thay đổi thị trường?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 26/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Theo nhận định của giới chuyên môn, vấn đề cốt lõi trong quá trình phục hồi ngành công nghiệp ô tô vẫn nằm ở 2 yếu tố chính, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và định vị lại thị trường.
Bình luận 0

Doanh nghiệp vẫn "loanh quanh" ở khâu thấp nhất

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện tại, Việt Nam có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó, hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Nổi bật trong đó là dự án nhà máy Thaco - Mazda của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải - Thaco với dự kiến công suất 100.000 xe/năm. Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới tại Ninh Bình với công suất dự kiến là 120.000 xe/năm của Liên doanh Hyundai - Thành Công. Dự án nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup...

Tuy nhiên, cũng theo thừa nhận từ chính Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp ô tô chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...

Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid – 19 (Bài 3): Lối đi nào sau làn sóng Covid – 19 lần 2? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn chỉ loay hoay làm săm, lốp,...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Theo đó, các sản phẩm đã được nội địa hóa có hàm lượng công nghệ rất thấp, như: săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng từ 2-3,5 tỷ USD các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, đánh giá tình trạng nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác kéo dài nhiều năm, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Điều này dẫn đến các ngành công nghiệp, trong đó có ô tô dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Lối đi nào cho ngành ô tô sau làn sóng Covid – 19 lần 2?

Trước thực trạng trên, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian tới đây, nhằm vực dậy ngành ô tô, sẽ có những chính sách, chiến lược cụ thể nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong từng sản phẩm.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và có diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai một số giải pháp như, phối hợp với các Bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất. Trong đó, có các dự án lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn như THACO, Thành Công, Vinfast…, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Ngành ô tô trong cơn “ác mộng” Covid – 19 (Bài 3): Lối đi nào sau làn sóng Covid – 19 lần 2? - Ảnh 2.

Không nên coi ô tô là hàng xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước để từ đó tăng quy mô thị trường ô tô, tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, áp dụng miễn thuế nhập khẩu linh kiện để phục vụ gia công sản xuất, có cơ chế khuyến khích xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng theo kết quả sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu", đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thông tin thêm đối với ngành ô tô, những chính sách như miễn giảm thuế rất quan trọng nhưng chưa đủ.

Theo đó, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có cái nhìn toàn diện hơn về cung - cầu, những xu hướng phát triển mới của ngành ô tô, hệ sinh thái cho ngành này phù hợp với cả sản xuất và tiêu dùng.

"Chính sách cho ngành ô tô cần chú trọng vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, kích cung, giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng, quản lý người lao động, kết nối chuỗi giá trị để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tạo ra những sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ hai, kích cầu. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng mạnh, nhu cầu ô tô cũng tăng theo. Tuy nhiên, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn rất cao. Nhiều người đề xuất, với những loại ô tô thông thường, không nên coi là đồ xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Thứ ba, giải quyết vấn đề cạnh tranh, phát triển khi tiến tới sản xuất những dòng ô tô mới. Cuộc cách mạng ô tô sẽ thay đổi thị trường, đây là vấn đề rất quan trọng cho Việt Nam trong 7 -10 năm tới", tiến sĩ Võ Trí Thành phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem