Ngày đầu Kỳ thi ĐH - CĐ 2014: Ngỡ ngàng với câu hỏi “lạ”

Tùng Anh - Kim Oanh Thứ bảy, ngày 05/07/2014 07:15 AM (GMT+7)
Đề thi môn toán thay đổi bỏ các phần tự chọn, nâng cao trong khi đề thi môn Lý có nhiều câu đánh đố, hỏi sâu về kiến thức thực tế khiến không ít thí sinh ngỡ ngàng, lúng túng.
Bình luận 0

Khó phân loại học sinh khá, trung bình khá

Tại địa điểm thi Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội), em Trần Văn Phương (Nam Sách, Hải Dương) cho biết, rất bất ngờ bởi đề toán năm nay được cấu trúc rất khác so với các năm trước. Không có phần chung, phần riêng, không có phần lựa chọn theo chương trình chuẩn và nâng cao. Cấu trúc đơn giản hơn, 9 câu thì từ câu 1 – 7 em làm tốt, còn câu 8, 9 em không làm được. “Nếu may mắn có thể em sẽ được 7 điểm” – Phương nói.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Bình, quê Phú Thọ thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Đề năm nay có câu bất đẳng thức và giải phương trình tương đối khó, còn lại em thấy đề phù hợp với học sinh. Em nghĩ, mình làm đúng khoảng 80% bài thi".

Thầy Lại Tiến Minh – giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định: “Đề thi không quá khó nhưng việc thay đổi cấu trúc sẽ khiến nhiều em lạ lẫm vì vẫn quen với các dạng luyện đề, ôn tập theo cấu trúc đề của các năm trước đó. Với đề thi này, khó phân loại được thí sinh trung bình khá và khá. Trong đó, câu 1-6 khá dễ, đa phần học sinh có thể làm được. Còn câu 8, 9 khó hơn, giúp phân loại thí sinh giỏi. Đa số các câu hỏi trong đề thi nằm trong phần kiến thức lớp 12. Bên cạnh đó, có câu 4 thuộc phần xác suất của lớp 11; câu 7, 8, 9 thuộc chương trình lớp 10 nhưng học sinh hoàn toàn có thể giải bằng phương pháp của lớp 12”.

Đề lý nhiều câu lạ!

Đó là nhận xét của nhiều thí sinh sau khi bước ra khỏi phòng thi môn lý chiều 4.7.

Thí sinh Nguyễn Thị Tường Vi (quê Hà Tĩnh) thi tại Trường THCS Phan Đình Phùng vào Đại học Đà Nẵng cho biết, đề thi lý năm nay vừa sức, tuy nhiên đề có tính tư duy cao, như phần ứng dụng thực hành có đưa vào nhiều công thức mới.

Em Nguyễn Thu Hương (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) thi tại ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đề có câu hỏi về tần suất âm thanh em chưa được làm bao giờ, năm nay cũng là lần đầu tiên em thấy đề lý có câu hỏi sử dụng hình vẽ”.

Thầy Đào Tuấn Đạt – giáo viên dạy lý Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng: “Đề thi có nhiều câu hỏi khó hơn năm ngoái, không chỉ tập trung vào chương trình dòng điện xoay chiều mà còn xuất hiện ở các chương sóng cơ và dao động cơ. Để giải các bài này đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu sắc hiện tượng, có kỹ năng tính toán tốt và phải có một quá trình rèn luyện bài bản trước đó mới có thể làm được”. Cũng theo thầy Đạt, đề thi có 2 câu “lạ” đối với học sinh, đó là câu số 4 (mã đề 493) đề cập tới các khái niệm trong âm nhạc như là quãng, nốt, game (âm giai), và câu số 18 (mã đề 493) đề cập tới kiến thức rất phổ thông là cách sử dụng đồng hồ điện số.

Với đề thi này thì phổ điểm chủ yếu là 6, 7 và khó đạt được 9, 10. Với sự khác biệt rõ ràng về mức độ giữa 50% câu hỏi cơ bản và 50% câu hỏi nâng cao. Đề thi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kỳ thi 2 trong 1, tức vừa để xét tốt nghiệp, vừa dùng để tuyển sinh vào đại học.

  Ngày 4.7, Bộ GDĐT cho biết, kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt 1,  toàn quốc có 54 thí sinh (TS) bị xử lý kỷ luật (khiển trách 13, cảnh cáo 2 và đình chỉ 39 TS), 7 TS đến muộn không được thi. Trong số 39 TS bị đình chỉ thi thì đa số đều mắc lỗi mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan Đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM cho biết: “Trong quá trình đi thanh tra, chúng tôi đều thấy trước cửa các phòng thi đều in rõ thông báo cấm TS mang ĐTDĐ vào phòng thi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mang vào. Tôi cho đây là hành vi cố tình vi phạm”.                                
 Quốc Hải
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem