Ngày gia đình Việt Nam (28.6): Sống gấp gáp, gia đình dễ đổ vỡ

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 28/06/2017 06:10 AM (GMT+7)
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến nhiều người không thể toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình. Thêm vào đó, cuộc sống tự do đề cao sự bình đẳng và cái tôi cá nhân cũng là một trong những lý do khiến cho việc ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng nhiều hơn.
Bình luận 0

Có học vẫn hành xử tệ bạc

Mới đây, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử ly hôn cho một cặp vợ chồng công chức là anh Nguyễn Tiến Mạnh và chị Nguyễn Thị Mơ (tên nhân vật đã được thay đổi). Chị vợ là giáo viên THCS, còn anh chồng là công chức ở phường. Anh chị cưới nhau được 3 năm, có với nhau một con trai 15 tháng tuổi. Vợ chồng có học thức, kinh tế lại khá giả ngỡ đâu sẽ là nền tảng vững chắc để duy trì hôn nhân. Vậy nhưng, càng sống với nhau, anh chị càng mâu thuẫn, cãi lộn.

Anh Mạnh thường xuyên gây đánh vợ, còn chị Mơ cũng không tiếc lời mắng chửi, mạt sát chồng. Bình thường, đồng nghiệp, hàng xóm đều khen anh chị biết cư xử, tốt bụng, nhã nhặn.  Đỉnh điểm cho mâu thuẫn là việc anh đánh chị ngã gãy tay, chị bỏ nhà đi lúc con mới 10 tháng tuổi. Không thể chấp nhận, chịu đựng thêm, mới đây anh chị đã nộp đơn lên toà xin ly hôn.

img

Cái Tôi quá lớn rất dễ dẫn tới cãi lộn, bạo lực và dẫn lối tới ly hôn ở các gia đình trẻ
(ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Mới đây, chiều 12.6, ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), một người đàn ông đã có những hành vi vô cùng thô bạo với người phụ nữ đi cùng được cho là vợ anh ta. Cùng với những lời lẽ lăng mạ, anh liên tiếp tát vợ, mặc cho đứa con khóc thét lên còn mặt vợ thì đầy máu. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là có rất nhiều người chứng kiến nhưng chẳng ai can ngăn.

Trước đó, tháng 4.2017, Công an TP.Hồ Chí Minh đã bắt Đoàn Đức Thiện (sinh năm 1984, quê Cà Mau) vì hành vi cố ý gây thương tích dẫn tới chết người. Thiện và vợ đều học đại học và làm việc tại công ty tư nhân. Cưới nhau được 1 năm, kinh tế hai vợ chồng gặp khó khăn nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Nhiều lần Thiện đi nhậu bị vợ can ngăn nên nảy sinh mâu thuẫn và đánh vợ. Trưa 11.4, trong lúc đang nhậu với bạn, bị vợ chửi bới, Thiện quay lại đánh vợ. Trong lúc cự cãi, Thiện đẩy vợ đập đầu vào tường dẫn tới tử vong.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện buồn của các cặp vợ chồng trẻ có học thức.

Lỗi “cái Tôi” quá lớn

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) cho biết, những câu chuyện trên đây không hiếm trong cuộc sống đời thường. Sự thật, cuộc sống hiện đại cho thấy tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ ly hôn ngày càng nhiều. “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự rạn nứt trong các gia đình trẻ, ví dụ như áp lực về công việc, mối quan hệ hai bên họ hàng, hay như mâu thuẫn về mặt tài chính, học thức...” – bà Ngọc Anh nói.

Bà Ngọc Anh dẫn chứng, thực tế bà đã từng tiếp xúc với nhiều gia đình trẻ, vợ chồng đều là những người có học thức, thành đạt, thế nhưng cuộc sống không hạnh phúc. Có những phụ nữ phàn nàn, kinh tế gia đình giàu có, nhưng chồng lại bận rộn, cả tuần không ăn cơm nhà một lần. Hai vợ chồng chỉ cần nói chuyện là cãi lộn. Cuộc sống rất ngột ngạt.

“Sở dĩ có những câu chuyện như vậy vì hầu hết người trẻ hiện nay đều khá bận rộn với công việc, do vậy họ cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Đặc biệt, với một bộ phận đàn ông, gia đình bao giờ cũng là thứ yếu được xếp sau công việc. Vì vậy, tất cả việc nhà đều trông chờ vào người phụ nữ. Điều này dẫn tới những mâu thuẫn và nếu không dung hoà được rất dễ dẫn tới cãi lộn, bạo lực và dẫn lối tới ly hôn” – bà Ngọc Anh nói thêm.

PGS-TS Phạm Ngọc Trung – giảng viên bộ môn Văn hoá gia đình (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho rằng, hôn nhân của các gia đình trẻ đang bị đe doạ bởi cuộc sống hiện đại. Quy mô đại gia đình đang bị thu hẹp, gia đình đang biến đổi liên tục. Trước kia, gia đình truyền thống, nhất cử nhất động trong gia đình đều do người đàn ông quyết, nhưng nay mô hình gia đình này đã bị thay đổi. Gia đình trẻ sống độc lập, cách hành xử vì thế cũng bộc lộ theo bản năng chứ ít khi được cân nhắc, đong đếm trước khi làm. Sự bộc lộ thái quá cái tôi cá nhân khiến đối phương cảm thấy căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình không được dung hoà, vì thế càng dễ nảy sinh bạo lực, ly hôn.

“Cuộc sống hôn nhân nhiều khi là sự chấp nhận, thậm chí đòi hỏi sự hy sinh cho nhau. Nghĩa là bản thân mọi người phải cùng cố gắng thay đổi hoà hợp, không thể lúc nào cũng đề cao cái tôi cá nhân mà quên mất những người sống bên cạch. Nếu không làm được điều này, gia đình sẽ rất dễ xảy ra tan vỡ” – ông Trung nói.

GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và phát triển nhận định, mỗi một xã hội, một giai tầng lại có một kiểu gia đình với chất lượng hôn nhân khác nhau. Thực tế cho thấy, vợ chồng càng có học thức sự đòi hỏi về bình quyền và thể hiện cái tôi càng lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn trong gia đình.

Để nâng cao chất lượng gia đình trẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, tránh hiện tượng mâu thuẫn, ly hôn, thậm chí là bạo lực để lại hậu quả đáng tiếc, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá và gia đình cho rằng cần phải có những chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng hôn nhân.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đề cao cái tôi cá nhân nên khi có mâu thuẫn là không chịu lùi bước.  Họ sẵn sàng từ bỏ hôn nhân để chứng minh cho đối phương biết họ có thể làm được, thậm chí làm được tất cả, kể cả không cần người bạn đời”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai – Giảng viên Bộ môn Văn hoá gia đình
(Đại học Văn hoá)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem