Ngày mai, xét xử ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn trong đại án MobiFone mua AVG

15/12/2019 16:17 GMT+7
Ngày mai 16/12, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 đồng phạm trong đại án MobiFone mua AVG sẽ được xét xử tại Hà Nội. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 16 ngày (hết 31/12), làm việc cả thứ bảy và chủ nhật.

Kinh doanh "bết bát"

Theo truy tố, Mobifone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng do nhà nước đầu tư toàn bộ, có Hội đồng thành viên (HĐTV) là đại diện chủ sở hữu. Năm 2015, bị cáo Lê Nam Trà được giữ chức thành viên HĐTV kiểm Tổng GĐ Mobifone.

Công ty CP nghe nhìn toàn cầu AVG được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào năm 2008. Đến ngày 31/12/2014, AVG có vốn điều lệ 2.150 tỷ đồng với người đại diện theo pháp luật là Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Tình hình kinh doanh của AVG khá “bết bát” khi từ 2010 – 2015, lỗ lũy kế lên tới hơn 1.634 tỷ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ. Đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn điều lệ.

16 ngày xét xử vụ án Mobifone mua AVG - Ảnh 1.

Ngày 16/12 sẽ diễn ra phiên xét xử đầu tiên trong vụ án MobiFone mua AVG

Từ 2/1/2016, AVG được chuyển giao cho Mobifone và đã thay đổi tên, biểu tượng truyền hình An Viên thành MobiTV. Từ đó đến nay, AVG vẫn luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính do công nợ lớn, không huy động được vốn vay, không hợp tác xã hội hóa được, không thoái được vốn 2 doanh nghiệp ngoài ngành.

Trước khi bán cổ phần cho Mobifone, AVG còn thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phần một cách “thần tốc”. Cụ thể, ngày 13/1/2015, HĐQT của AVG họp và ra quyết định tăng chào bán cổ phần; thông báo cho các cổ đông về số cổ phần được mua.

Ngày 19/1/2015, HĐQT AVG thống nhất kết quả bán cổ phần và đăng ký tăng vốn điều lệ. Cùng ngày, các cổ đông của AVG chuyển tiền, hoàn thành việc mua bán và thông báo nội dung đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ từ 2.150 tỷ đồng lên 3.628 tỷ đồng.

Trong đó, Phạm Nhật Vũ nắm 55,5%; bà Hoàng Thanh Hằng có 15,83%; bà Nguyễn Thùy Trang nắm 8,83%; ông Nguyễn Thái Duy Dương chiếm 2,34%; Cty CP An Viên chiếm tỷ lệ 19,78%...

Thổi giá

Theo cáo trạng ký ngày 17/10 của VKSND Tối cao, ngày 27/1/2015, ông Lê Nam Trà xin Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phê duyệt chủ trương cho đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Do có mối quan hệ với ông Phạm Nhật Vũ (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG), ông Nguyễn Bắc Son (nguyện Bộ trưởng Bộ TTTT) đã giới thiệu và định hướng MobiFone mua cổ phần của AVG. Ông Nguyễn Bắc Son cũng giới thiệu Phạm Nhật Vũ đến gặp chủ tịch MobiFone để chào bán cổ phần.

Tài liệu điều tra đã xác định hành vi phạm tội của các bị can trong vụ việc này. Theo đó ông Nguyễn Bắc Son, từng là Bộ trưởng Bộ TTTT, là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư.

16 ngày xét xử vụ án Mobifone mua AVG - Ảnh 2.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ

Cáo trạng của VKSND Tối cao nêu, bị can Nguyễn Bắc Son nhận thức dự án phải thực hiện theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng; trình tự thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và Bộ TTTT không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án. Nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Phạm Đình Trọng thành lập Tổ thẩm định; tổ chức họp với Mobifone và AVG để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.800 tỷ đồng theo nguyên trạng.

Mặc dù Thủ tướng mới có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá tổng thể về các điều kiện theo quy định; Thủ tướng cũng chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Trương Minh Tuấn (khi ấy là Thứ trưởng Bộ TTTT) ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; chỉ đạo Lê Nam Trà ký các thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015.

Cáo trạng nêu, ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo quyết liệt Trương Minh Tuấn và các bị can khác làm trái quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của nhà nước.

Ngày 2/10/2015, theo chỉ đạo của ông Son, AVG và MobiFone đã thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là gần 8.900 tỷ đồng, đưa giao dịch vào danh mục "Mật" của Nhà nước.

Sau khi được đồng ý mua AVG, Mobifone đã thuê Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định giá. VCBS cho rằng giá trị doanh nghiệp của AVG tại thời điểm tháng 3/2015 là hơn 24.548 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do VCBS không có chức năng thẩm định giá nên Mobifone thuê tiếp Cty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX xác định giá trị AVG. Kết quả, AMAX cho rằng AVG có giá thấp nhất 16.565 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều ngày 25/12/2015. Ông Son khai nhận, động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt Mobifone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi ông Son nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác và mong muốn Mobifone và AVG nhớ đến Nguyễn Bắc Son.

Điểm nhấn con số 3 triệu USD

Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai của các bị can, cáo trạng xác định, Nguyễn Bắc Son là người đứng đầu Bộ TTTT đã giới thiệu, định hướng cho Mobifone mua cổ phần của AVG mặc dù biết rõ năng lực tài chính của AVG rất xấu, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế kéo dài, giá trị tài sản thấp nhưng Nguyễn Bắc Son với mong muốn Mobifone sớm thực hiện dự án mua cô rphaanf của AVG trong năm 2015 nên Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT), Lê Nam Trà, Cao Duy Hải (Tổng giám đốc Mobifone) khẩn trương triển khai thực hiện dự án, không tuân thủ các quy định của pháp luật; chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trái pháp luật, quyết định giá mua AVG cao gấp nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG…

Cáo trạng cũng cho hay, quá trình thực hiện dự án Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ 126 cuộc điện thoại, 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành. Sau khi Mobifone chuyển tiền cho AVG, Nguyễn Bắc Son đã nhận 3 triệu USD, tương đương hơn 66 tỷ đồng từ Phạm Nhật Vũ.

Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son và đưa số tiền này cho ông Son. Số tiền này được ông Son đưa lên phòng làm việc tại tầng 2, xếp vào 2 va li và 1 ba lô cất ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.

Sau đó, ông Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300-400.000 USD, dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã nhận của Cao Duy Hải số tiền 200.000 triệu đồng dịp 30/4/2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà vào dịp Tết âm lịch 2016.

Cáo trạng cho hay, số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại, tuy nhiên ông không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền này. Nguyễn Bắc Son đề nghị sử dụng số tiền hơn 591 triệu đồng trong tài khoản gửi tiết kiệm đứng tên mình để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.

Được biết, ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà bị truy tố về tội Nhận hối lộ theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị truy tố tội Đưa hối lộ, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

4 ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà cùng 5 cựu phó tổng giám đốc MobiFone còn cùng ông Phạm Đình Trọng, Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) và hai người của công ty thẩm định giá bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục