Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Họ đã vì một thành phố bình yên...
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Họ đã vì một thành phố bình yên…
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 26/02/2022 08:16 AM (GMT+7)
Khi TP.HCM trở thành tâm dịch với hàng chục ngàn ca F0 mỗi ngày, những “Thiên thần blouse trắng” dấn thân tuyến đầu theo mệnh lệnh trái tim. Đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống, họ quyết tâm giành giật sự sống cho từng ca bệnh, cứu bệnh nhân trở về từ lằn ranh sinh tử.
Tối nay (26/2), Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức giải Thành tựu y khoa nhằm tri ân, vinh danh giá trị khoa học và những cống hiến của đội ngũ thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt 2 năm cả xã hội đối mặt với dịch Covid-19.
Tháng 2/2022, khi TP.HCM đã tự tin khống chế dịch bệnh, người dân trở lại nếp sống bình thường, Lễ trao giải Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021 với chủ đề "Phòng chống Covid-19 - Sứ mệnh Blouse trắng" được tổ chức nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam là sự kiện được cho là hết sức có ý nghĩa.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, chủ đề của giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2021 thật sự mang giá trị tinh thần to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với những cống hiến, dấn thân của đội ngũ thầy thuốc trong suốt những tháng ngày căng mình chống dịch.
Không ai có thể quên hình ảnh những đứa trẻ tại Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) – nơi chăm sóc trẻ sơ sinh của thai phụ mắc Covid-19 nguy kịch sinh ra trong đại dịch Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP, số lượng thai phụ nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng. Tại Bệnh viện Hùng Vương, các bé con của mẹ nhiễm Covid-19 sau khi sinh sẽ được nuôi dưỡng và chăm sóc tại khoa Sơ sinh. Trong vòng 72 giờ sau sinh, các bé được xét nghiệm PCR 2 lần để xác định bé không bị nhiễm Covid và thông báo với gia đình đến đón bé về chăm sóc trong thời gian mẹ bé bị cách ly và điều trị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các trường hợp bệnh viện liên lạc với gia đình đều không có khả năng đón bé về nuôi dưỡng và chăm sóc.
Để giảm tải cho Khoa Sơ sinh đồng thời giúp những người mẹ nhiễm Covid-19 an tâm cách li điều trị, Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc tạm thời trẻ sơ sinh con của thai phụ nhiễm Covid 19 với tên gọi H.O.P.E đã ra đời. Hơn 2 tháng hoạt động, Trung tâm đã nuôi dưỡng 259 trẻ, trong đó có 8 trẻ mồ côi mẹ từ những ngày đầu sau sinh.
Làm mẹ chưa bao giờ là dễ, làm "mẹ thời vụ" cho trẻ sơ sinh xa người thân vì Covid-19 lại càng áp lực hơn. Những đứa trẻ kém may mắn này đã cho Trung tâm H.O.P.E lý do để ra đời và rồi H.O.P.E lại mang đến cho mẹ cha của chúng sức mạnh ý chí để chiến thắng dịch bệnh, khỏe mạnh trở về bên con. H.O.P.E mở ra đã gánh trong mình nỗi toan lo của những người làm mẹ, và khi H.O.P.E khép lại cũng sẽ là lúc bắt đầu cho hành trình về nhà của những đứa con thơ…
Đó là mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng - nâng bước bệnh nhân vượt qua hiểm nghèo khi những ngày cao điểm trong tháng 8/2021, số ca mắc Covid 19 mới tại TP lên đến hơn 17.400, cùng lúc đó thành phố phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng. Số ca tử vong lên đến hàng trăm ca mỗi ngày. Cả hệ thống chính trị, xã hội, mọi người dân cùng gồng mình lao vào cuộc chiến chống dịch. Trước tình thế đó, Khoa Y - Đại học Y Dược TP.HCM đã đề xuất mô hình "Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng" tại 3 quận 8, 10 và Bình Tân với sự tham gia của đội ngũ giảng viên và hàng ngàn sinh viên của ĐH Y Dược TP.HCM.
Tại quận 10 có 6.057 F0 đã được quản lý, trong số đó có 219 F0 được cấp cứu, tỷ lệ tử vong của các F0 được quản lý trong mô hình giảm xuống chỉ còn 0,43%. Tại quận 8, có 8.188 F0 được quản lý, cấp cứu 250 trường hợp, tỷ lệ tử vong 0,57%. Tại quận Bình Tân, có 29.934 F0 được quản lý tại nhà và hỗ trợ bệnh viện quận theo dõi điều trị hơn 100 trường hợp đã qua xử trí cấp cứu.
Các y bác sĩ sinh viên và tình nguyện viên không chỉ khám tư vấn và hỗ trợ mua thuốc cho người dân. Họ đã đem tới sự đồng hành và chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi cũng như nỗi đau mất mát người thân. Sự thấu cảm và tình người đã được các thành viên trong mô hình thực hiện, giúp người bệnh vượt qua những ám ảnh tâm lý khủng khiếp do dịch bệnh gây ra. Đó là những trải nghiệm đắt giá mà không bài học nào trên giảng đường có thể mang lại.
Đó là mô hình chạy thận nhân tạo tại các trung tâm cách ly của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Với các bệnh nhân thận nhân tạo chỉ cần bỏ chạy thận 1 lần là phù phổi, ngưng tim và có thể đột tử, vào những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất tại TP.HCM, để đảm bảo an toàn và tránh lây nhiễm chéo trong các bệnh viện đã khiến rất nhiều bệnh nhân không thể tìm được nơi chạy thận định kỳ. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của rất nhiều bệnh nhân thận nhân tạo, đặc biệt là khi họ là F0, F1, người có nguy cơ cao… thì những lo lắng đó càng tăng thêm gấp bội…
Từ nhu cầu cấp thiết này, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn là F0, F1, những người đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa. Như chiếc phao cứu sinh, sau rất nhiều bệnh viện khác từ chối, anh Tăng Quốc Hải ở Bình Chánh đã bật khóc khi được các nhân viên y tế ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện chạy thận.
Với quyết tâm chống dịch như chống giặc, quá trình triển khai thực hiện để thành lập trung tâm chạy thận trong khu cách ly được thực hiện rất nhanh chóng khẩn trương tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Đến cả việc tận dụng xe cứu thương 0 đồng đến đón bệnh nhân chạy thận cũng được bệnh viện chuẩn bị chu đáo.
Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Sau mỗii ca chạy thận khoảng 3-4 giờ, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Có những ngày trung tâm phải chạy hết công suất, ca 4 ca 5...
Không những thực hiện chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân ở TP và các tình lân cận như Long An, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn hỗ trợ triển khai thành công đơn vị chạy thận cách ly trong khu cách ly Trung tâm y tế Long Điền - khu cách ly của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trung tâm bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các bệnh nhân chạy thận không phải chuyển lên tuyến trên và quan trọng đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch tốt nhất.
Người dân TP không bao giờ quên những y bác sĩ mang quân hàm xanh của Tổ quân y cơ động tại các Trạm y tế lưu động đã xông pha, góp sức ở trận tuyến đầu để chia lửa cùng đồng đội. Ăn cùng dân, ở cùng dân, chia sẻ những đau thương mất mát cùng với nhân dân, mô hình Tổ quân y cơ động tại các Trạm y tế lưu động do quân đội điều động trong bối cảnh Covid-19 vừa qua đã phác họa rõ nét tình quân dân trong khó khăn, phát huy phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân và vì dân…
Từ 15 thành tựu phòng chống dịch Covid-19 do Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP đề cử, 10 thành tựu tiêu biểu sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021 diễn ra tại Nhà hát Thành phố vào tối nay (26/2).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.