Gần 5.000 hộ di dân
Chiều qua (27.5), Đoàn công tác liên Bộ gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch đầu tư; Tài chính và Văn phòng Chính phủ đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện công tác ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tái định cư các dự án Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Hủa Na.
Thủy điện Bản Vẽ.
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh này có 4 dự án thủy lợi, thủy điện được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, chấp thuận đầu tư có di dân tái định cư thuộc phạm vi điều chỉnh tại Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18.11.2014 của Thủ tướng về chính sách đặc thù việc đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi, thủy điện.
Hiện nay, 3 dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành gồm Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na và Thủy điện Khe Bố với tổng số hộ di dân tái định cư là 4.969 hộ với 22.099 khẩu đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Riêng dự án hồ chứa nước Bản Mồng đang thi công, chưa di dân tái định cư.
Về tài chính, cơ quan chức năng đã chi trả các khoản bồi thường, hỗ trợ theo quy định, đến nay đã giải ngân 3.138 tỷ đồng trong tổng số 3.411 tỷ đồng theo kế hoạch.
Có hộ chưa nhận tiền đền bù, nhiều hộ chưa đủ đất sản xuất
Theo báo cáo, đối với Thuỷ điện Bản Vẽ, tại Thanh Chương còn 75 hộ của bàn Chà Coong 2, xã Thanh Sơn chưa giao đủ đất sản xuất. Một số diện tích đất dốc, xấu sản xuất không nổi, diện tích sản xuất lúa nước không đáng kể, tình trạng lấn chiếm đất sản xuất giữa các hộ dân tái định cư diễn ra khá phổ biến.
Trong số các dự án này, Thủy điện Bản Vẽ đã có 207 hộ với 626 khẩu quay lại cư trú, làm ăn trên khu vực lòng hồ này (30 hộ bản Chà Coong; 24 hộ ở các khu tái định cư trong huyện quay về; 153 hộ tái định cư về huyện Thanh Chương quay về).
|
Thậm chí, dự án đã triển khai hơn 10 năm nhưng vẫn còn một số hộ chưa được nhận tiền hỗ trợ ban đầu do sai sót tên, hộ khẩu(?). Một số hộ dân chưa được cấp đủ đất đúng như quy định. Có tới 530 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Thủy điện Bản Vẽ là 44 hộ dân ở bản Kim Hồng đã quay trở lại Tương Dương và 26 hộ của bản Chà Coong chưa chịu về khu tái định cư để sinh sống, nhận đất, nhận nhà, vẫn quyết bám trụ nơi ở cũ.
Vì quá khó khăn, nhiều hộ dân phải quay lại sống tạm bợ trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Riêng 3 bản Xốp Cháo, Phia Òi và Piêng Luống vốn không nằm trong quy hoạch di dời nhưng sau khi tích nước lòng hồ đã trở thành ốc đảo nếu để người dân tiếp tục sinh sống rất nguy hiểm.
Thủy điện Bản Vẽ đã có 207 hộ với 626 khẩu quay lại cư trú, làm ăn trên khu vực lòng hồ này (30 hộ bản Chà Coong; 24 hộ ở các khu tái định cư trong huyện quay về; 153 hộ tái định cư về huyện Thanh Chương quay về).
Còn dự án Thuỷ điện Hủa Na có tới 311 hộ chưa được giao đất lâm nghiệp, 746 hộ chưa được giao đất lúa nước. Đối với đất sản xuất, hầu hết các điểm tái định cư đều chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất ở còn rất chậm.
Nhiều nguyên nhân được làm rõ như việc tổ chức sản xuất cho người dân hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng đất sản xuất được giao, hỗ trợ đầu tư sản xuất cho người dân còn thấp, chưa đồng bộ trong điều kiện đất sản xuất còn mới; trình độ kỹ thuật của người dân còn thấp nhưng lại thiếu vốn đầu tư dẫn đến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng lo là tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao như Bản Vẽ có 69% hộ nghèo, Hủa Na 42% hộ nghèo và thuỷ điện Khe Bố là 42% hộ nghèo.
Phải sớm giúp người dân tái định cư ổn định đời sống
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị, trên cơ sở thực trạng về đời sống của đồng bào tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ; thủy điện Hủa Na và thủy điện Khe Bố, địa phương đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; NNPTNT; Công thương... xem xét thống nhất chủ trương đầu tư lập dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thủy điện Bản Vẽ; Hủa Na và Khe Bố theo Quyết định 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để sớm đưa dự án vào đầu tư giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Chủ đầu tư dự án gồm Tổng Công ty Phát triển Điện lực Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na... phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện hoàn thành việc giao đất còn thiếu cho các các hộ dân và tiếp tục hỗ trợ cho người dân một cách thật trách nhiệm.
Lãnh đạo các huyện thuộc tỉnh Nghệ An kiến nghị Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Tổng Công ty Phát triển Điện lực Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na phối hợp cùng địa phương nhanh chóng nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng bị hư hỏng xuống cấp khá nhanh gồm các nhà văn hoá, cầu cống, nước sinh hoạt...
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.