Khóc vì lúa
Vụ thu hoạch lúa ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành đang đến gần, thế nhưng hàng trăm hộ nông dân đang điêu đứng, nhốn nháo vì cầm chắc nguy cơ mất mùa khi lúa chỉ cho toàn hạt lép. Chị Nguyễn Thị Sâm ở xóm Chu Trạc, xã Hoa Thành rơm rớm nước mắt: “Nhà tôi trồng 4 sào lúa giống BC15. Chúng tôi vẫn chăm sóc đúng kỹ thuật và lúa phát triển bình thường, nhưng gần đến ngày gặt mới phát hiện lúa không có hạt nên chẳng muốn thu hoạch nữa”.
|
Chị Nguyễn Thị Sâm ở xóm Chu Trạc, xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An) đang rất lo lắng vì ruộng lúa của gia đình bị lép hạt. |
Đứng ở mảnh ruộng kế bên ruộng chị Sâm, anh Phan Văn Giáp ở xóm 6, nói: “Gia đình tôi làm 6 sào giống lúa này, bây giờ cũng thấy toàn hạt lép, nên cũng không biết có thu hoạch hay không nữa”.
Ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: “Vụ xuân này, xã có cơ cấu trồng 150/200ha lúa giống BC15 (do Công ty Giống Thái Bình cung ứng). Xã đã gieo cấy tuân thủ lịch thời vụ của huyện, thực hiện tốt quy trình chăm sóc lúa. Cây lúa từ đầu vụ phát triển bình thường, sạch bệnh, trổ bông to, nhưng điều bất ngờ là bông lúa trổ thoát nhưng lại không tạo hạt, chỉ toàn hạt lép từ đầu bông đến cuối bông”.
Sẽ chi 10 tỷ đồng hỗ trợ nông dânÔng Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, chúng tôi cung ứng giống BC15 để gieo khoảng 200.000ha ở phía Bắc. Tuy nhiên, do yếu tố thời tiết bất lợi nên đã gây thiệt hại cho khoảng 6.000ha lúa BC15 ở các địa phương. Đây là giống lúa đã được công nhận từ năm 2008, tôi khẳng định về chất lượng BC15 không có vấn đề gì. Chúng tôi chia sẻ những thiệt hại với bà con nông dân và sẽ hỗ trợ thiệt hại ít nhất 10 tỷ đồng”.
Theo khảo sát bước đầu, trước đây giống này đạt năng suất gần 7 tấn/ha, thì nay chỉ đạt chưa đầy 2 tấn/ha. Có nghĩa là 150ha lúa mất khoảng 750 tấn lúa, nếu tính giá thóc giống 7.800 đồng/kg, cả xã Hoa Thành mất khoảng 5,85 tỷ đồng. Ông Đào Ngọc Hùng - quyền Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, vụ xuân này huyện gieo cấy 3.300ha lúa BC15 ở 10 xã, thì bị thiệt hại tới 650ha.
Không chỉ riêng ở Yên Thành mà hàng trăm hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu cũng đang khóc vì mất mùa. Ông Hồ Hữu Phương - Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Toàn huyện Quỳnh Lưu bị thiệt hại 1.600- 2.000ha lúa BC15, chúng tôi đang rà soát lại diện tích để báo cáo lên Sở NNPTNT tỉnh.
Do thiên tai
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Đến thời điểm này, huyện đã tiến hành thành lập đoàn, mời đại diện Sở NNPTNT, huyện, các xã thiệt hại và Công ty Giống Thái Bình đi kiểm tra xác định nguyên nhân mất mùa, từ đó mới biết trách nhiệm thuộc về ai.
Trong khi đó, đại diện của Công ty Giống cây trồng Thái Bình lý giải: Sau khi xảy ra hiện tượng lúa lép hạt, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật vào kiểm tra và xác định nguyên nhân giống BC15 lép hạt là do chịu ảnh hưởng của trận mưa có axít. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, những diễn biến phức tạp của thời tiết đã khiến cho nhiều địa phương bị thiệt hại nặng về năng suất lúa, đặc biệt là trên giống lúa BC15.
Thực tế, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong vụ đông xuân 2012- 2013, mặc dù nhiệt độ ấm hơn, nhưng số giờ nắng và lượng mưa lại thấp hơn so với trung bình nhiều năm; số ngày mưa có nhiều nhưng lượng mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao (số ngày có độ ẩm không khí cao trên 90% đạt kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây) đã làm cho đất không được ải, tạo điều kiện cho nhiều sâu bệnh hại phát sinh và gây hại.
Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), từ ngày 7 - 15.4, miền Bắc đã xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh, có những ngày nhiệt độ thấp hơn 18 độ C (tại Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 17- 18 độ C, trùng với thời điểm phân hóa đòng bước 5- 6 đối với giống lúa BC15, là giống mẫn cảm với nhiệt độ, chịu lạnh kém).
Theo Sở NNPTNT?các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, do những nguyên nhân thời tiết như trên nên Thanh Hóa có 3.375ha lúa BC 15 bị thiệt hại, trong đó diện tích bị thiệt hại nặng trên 70% là khoảng 2.450ha; tỉnh Nghệ An có khoảng 3.000ha bị thiệt hại, trong đó diện tích bị nặng trên 70% khoảng 2.000ha.
Ông Lê Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, chúng tôi đã cử 3 đoàn về tìm hiểu thực tế. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thống kê, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để sớm báo cáo Bộ trưởng Bộ NNPTNT”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Cần đánh giá một cách khách quan, chính xác nguyên nhân dẫn đến thiệt hại với giống lúa BC15 để rút ra bài học kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục”.
Tiến Dũng - Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.