Nghề đan đó hàng trăm năm, giờ làm nghề không vì... thu nhập
Nhật Hà - Văn Công
Thứ năm, ngày 19/05/2022 10:42 AM (GMT+7)
Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60km về phía nam, xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) có nghề đan đó nổi tiếng đã hàng trăm năm. Hiện nay, nghề đan đó tuy không còn phát triển như những năm về trước nhưng những “nghệ nhân làng” vẫn cố gắng giữ nghề như một nét đẹp văn hóa của cư dân nông nghiệp.
Xã Thủ Sỹ cách trung tâm thành phố Hưng Yên chỉ khoảng 7km. Xã này có 5 thôn và 1 khu phố, trong đó có 2 làng Nội Lăng và Tất Viên tập trung nhiều người làm nghềđan đó hơn cả.
Nghề đan lát có từ thời tiền sử, bởi các công cụ đan lát gắn liền mật thiết với việc mưu sinh của cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, không ai biết chính xác nghề đan lát ở Thủ Sỹ có từ khi nào. Người dân chỉ ước chừng ít nhất cũng xuất hiện vài trăm năm trước.
Bà Lương Thị Huyền, người dân làng Tất Viên cho biết, theo truyền thuyết, đình làng thờ thần hoàng Nguyễn Thị Huệ, người có công truyền nghề làm đó cho nhân dân, nhưng cũng không rõ thời gian cụ thể. Ban đầu, người dân Thủ Sỹ đan đó là chủ yếu, về sau đan thêm rọ tép rồi rọ tôm. Nghề từng rất phát triển, người dân còn truyền tai nhau câu ca dao:
Quê em là đất hàng nan, có nghề đan đó có nghề rọ tôm.
Hiện nay, cả hai làng Tất Viên và Nội Lăng có khoảng 500 người dân làm nghềđan đó, rọ. Nguyên liệu chủ yếu để đan đó là tre hoặc nứa già. Trước kia, nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhưng nay người dân thường phải đi mua ở một số nơi về.
Ông Bùi Văn Lải, một người thợ làm đó chia sẻ, nghề đan đó, rọ cũng khá cầu kỳ, nhiều công đoạn kỹ thuật khó. Đầu tiên người thợ phải khéo léo chẻ nhiều loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó và rọ. Nhiều nghệ nhân vót nan rất điêu luyện.
Nan sau khi chẻ gọn ghẽ và được chia thành từng loại rõ ràng. Nứa pha ra thành khổ, nan ra nan, khoáy ra khoáy. Chẻ nan xong phải vấn thành một vòng tròn, xong bắt đầu đan từ dưới lên. Chẻ nan thật đều mới đan được, có hai loại nan chính là nan dài suốt từ đầu đến cuối và nan nối. Kỹ thuật chẻ nan rất quan trọng, quyết định đến việc đó đẹp hay không.
Để hoàn thành 1 chiếc đó người thợ cần ít nhất 30 phút cho đến 1 giờ. Nghề đan cần sự khéo tay tỉ mỉ và nắm chắc kỹ thuật đan của từng phần. Thường những người cao tuổi, tuy mắt kém nhưng có tốc độ đan nhanh hơn người trẻ, bởi sự khéo tay và kinh nghiệm.
Một chiếc đó đẹp phải được đan cân đối, đường đan và các lớp đan đều nhau cả trong lẫn ngoài. Sản phẩm đan xong có hình bầu dục, hai đầu chắc chắn, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ.
Kỹ thuật đan đó và rọ tương tự nhau. Tuy nhiên, đan đó người thợ phải làm khung, đan từ giữa ra hai đầu và không cần dùng đến cốt. Đan rọ đan từ dưới lên. Nan để đan rọ dày hơn một chút so với nan đan đó. Khi đan rọ thường cho quả cốt vào bên trong để giữ khung. Dễ đan nhất là hom miệng rọ, khó nhất là cạp, vành miệng và đuôi.
Khách mua đó "sành sỏi" thường nắn đầu đó. Nếu đầu đó cứng thì là đó chuẩn, bền còn nếu đầu đó mềm oặt thì đó là đó yếu, dùng nhanh hỏng. Người dân Thủ Sỹ cho biết, có 3 kích cỡ đó cơ bản gồm: cỡ to, cỡ nhỡ và cỡ nhỏ phục vụ cho từng mục đích bắt các loại cá khác nhau.
Để tăng độ bền chắc và có màu nâu cánh gián đẹp bóng, người dân thường treo đó, rọ lên gác bếp để tránh mối mọt, có khói ám vào trong một thời gian nhất định sẽ giúp đó, giọ lên màu rất đẹp.
Giữ nghề đan đó như nét đẹp văn hóa
Ông Lương Sơn Bạc năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông đan đó, rọ từ hồi con nhỏ và đến nay vẫn miệt mài làm nghề. Ông Bạc cho biết, hiện nay, việc tiêu thụ đó và rọ khá khó khăn, bởi ít nơi còn đi bắt cá đồng.
Ông thường phải đạp xe thồ đi đến một số huyện chiêm trũng như Ân Thi, Phù Cừ (Hưng Yên), hay sang cả huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa (Hà Nội), rồi ngược lên Bắc Ninh – Bắc Giang thì mới dễ tiêu thụ. Để treo được tối đa đó và rọ lên xe thồ, ông Bạc phải hì hục mất 2 giờ đồng hồ.
Nghề đan đó từng một thời mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Thủ Sỹ. Một chiếc đó trắng thành phẩm được có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; đó được hun khói có màu nâu cánh gián, bóng đẹp được bán khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chiếc. Ông Bạc cho biết, có ngày cao điểm bán được cả trăm cái đó nhưng cũng có ngày đạp xe gần trăm cây số chẳng... mở hàng.
Tuy không còn là nghề đem lại thu nhập chính nhưng ông Bạc và nhiều người dân Thủ Sỹ vẫn rất yêu nghề và mong muốn giữ nghề như một nét đẹp văn hóa. Ông Bạc cho biết, "thỉnh thoảng có đoàn khách du lịch nước ngoài về trải nghiệm làng nghề, dân làng rất vui và niềm nở đón tiếp họ.
Còn dân nhiếp ảnh và nghiên cứu văn hóa thì về thường xuyên, họ thường động viên chúng tôi giữ nghề nên chúng tôi càng không nỡ bỏ nghề, cho dù thu nhập hiện nay không đáng là bao", Ông Bạc trải lòng.
Hình ảnh ông Bạc trên chiếc xe thồ với hàng trăm chiếc đó, rọ băng qua cánh đồng hoa cải đã tạo nên bức tranh làng quê Thủ Sỹ bình yên và đậm đà nét văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.