Nghề đúc nhôm ở Bắc Ninh: Lương cao nhưng rủi ro nhiều

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 10/11/2018 06:30 AM (GMT+7)
Từ vài chục năm nay, làng Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) được biết đến như xứ sở của nghề đúc nhôm. Lao động ở làng nghề này lương cao nhưng cũng phải chịu những rủi ro lớn vì sức khỏe.
Bình luận 0

Đổi sức khoẻ lấy tiền

Về Mẫn Xá (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) - làng nghề đúc nhôm, nhiều người không thể thở nổi bởi những làn khói, bụi nhôm bay nghi ngút. Anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) công nhân làm nghề đúc nhôm tại xưởng của bà Nguyễn Thị Mận ở Mẫn Xá cho biết, quê gốc của anh ở Nghệ An nhưng vì không có việc làm, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên anh ra ngoài Bắc xin việc. Khi được bạn giới thiệu về làm nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá với mức lương cao, anh Nam đồng ý ngay.

Lao động làm nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh).  Ảnh: I.T

"Người dân chủ yếu mắc bệnh về đường hô hấp, đa phần là trẻ em dưới 6 tuổi. Mỗi năm, số người bị ung thư lại tăng lên”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Duy -
Trạm trưởng Trạm Y tế xã
Văn Môn

“Lúc mới nghe bạn giới thiệu và nói mức lương tôi cảm thấy rất hào hứng. Tuy nhiên, về làm được một thời gian thì thấy công việc quá vất vả. Thêm vào đó, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, mới làm được 2 tháng mà tôi đã bị ốm, viêm họng, ho...” – anh Nam chia sẻ.

Tận mắt nhìn cảnh Nam làm việc trong lò đúc mới thấy sự vất vả và nguy hiểm. Anh Nam dù làm trong lò nhưng không hề dùng đồ bảo hộ lao động, chỉ với đôi dép tổ ong, chiếc khẩu trang mỏng cùng đôi găng tay vải. Dù nóng cháy da, anh vẫn nhanh tay kéo từng thỏi nhôm ra khỏi lò. Hầu hết những lao động làm ở làng đúc nhôm, tái chế, phân loại nhôm Mẫn Xá đều là người từ nơi khác tới. Những người giàu, làm chủ ở Mẫn Xá đều mua nhà đi ở nơi khác. Vì lương cao nên hầu hết lao động cố gắng làm, lấy sức khoẻ đổi lấy tiền.

Chị Nguyễn Thị Phương (49 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hoá) cho biết, chị làm nghề đúc nhôm ở đây đã được 2 năm. Sức khoẻ của chị đã yếu đi nhiều so với 2 năm trước. “Mình biết điều này nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không làm lấy đâu tiền nuôi 2 con ăn học đại học nên đành phải cố gắng thôi”- chị Phương nói.

Chị Phương cho biết, tiền công được trả cho 1 ngày làm khoảng 700.000-800.000  đồng không phải là mức thấp với lao động phổ thông như chị. Mặc dù một tháng phải nghỉ đến chục ngày vì ốm nhưng thu nhập trung bình của chị vẫn khá cao, khoảng hơn 10 triệu đồng. Vì điều này mà rất nhiều lao động dù nhận ra hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ nhưng vẫn cố gắng làm việc.

Khó chuyển đổi việc làm

"Bắc Ninh hiện có 63 làng nghề, trong đó có hơn 30 làng nghề truyền thống. Làng nghề Mẫn Xá bị ô nhiễm môi trường nặng nhất tỉnh Bắc Ninh và là 1 trong 37 làng có nhiều người dân mắc ung thư nhất Việt Nam”.

Theo Sở Tài nguyên  -
Môi trường tỉnh Bắc Ninh

Cách trung tâm thị trấn Chờ, huyện Yên Phong khoảng 2km, làng Mẫn Xá nằm quy tụ lại giữa bốn bề đồng lúa, nhìn từ xa đã thấy những cột khói đen bốc lên nghi ngút. Mẫn Xá có gần 800 hộ dân, gần 4.000 khẩu, được coi là làng tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc, với trên 300 lò tái chế, đúc nhôm lớn nhỏ. Anh Tạ Văn Hiển, người dân trong làng cho biết: “Cứ tối đến, hay sáng sớm sương mù ép xuống mùi ghê lắm, không ai chịu nổi”.

Trung bình mỗi năm, Mẫn Xá tái chế khoảng 10.000 tấn nhôm phế thải và một ngày, một hộ làm nghề đun đúc từ 2-3 tạ bột nhôm. Ông Nguyễn Văn Điều - chủ cơ sở tái chế nhôm xã Văn Môn chia sẻ: “Toàn bộ nhôm phải dùng bột chì để kéo ra, chứ không có cách nào khác. Một ngày làng chúng tôi dùng 1 tấn chì để kéo nhôm. Nếu không kéo hết nhôm ra là không có lãi”.

Dạo một vòng quanh thôn, từ trong nhà đến ngoài ngõ, thậm chí ra tận cánh đồng sau thôn, những hình ảnh thường thấy nhất là cảnh người dân thu mua, đúc, nung các vật liệu như dây điện, vỏ lon bia… để tạo ra phôi nhôm đem bán.

Thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng. Hệ thống kênh mương giờ cũng thành đường dẫn nước thải đen đặc quánh. Trong thôn gần như không có bóng cây xanh. Dù biết ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì mưu sinh, người dân Mẫn Xá vẫn bán tính mạng cho nghề…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem