Hướng tới sự đẳng cấp
Anh Nguyễn Hải Anh - chủ một salon tóc trên đường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trước khi làm nghề, vợ chồng anh chỉ học qua một salon tóc. “Học 3 tháng nên việc học chủ yếu theo kiểu truyền nghề. Thầy làm thì mình nhìn rồi làm theo, cũng chẳng cần sách vở gì. Tuy nhiên, cũng chỉ được thầy dạy những kỹ năng cơ bản như cắt, gội, massage”- anh Hải Anh nói.
Một buổi dạy thực hành làm tóc tại Trường trung cấp Nhân Đạo. Ảnh: M.N
Thông tin từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết, kết thúc kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI, diễn ra tại Malaysia, Đoàn Việt Nam xếp hạng thứ 3 (sau Malaysia và Indonesia). Theo đó, các thí sinh dự thi tay nghề đã mang về 10 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng và 15 chứng chỉ nghề xuất sắc. Các nghề giành Huy chương Vàng là nghề bảo trì máy, cơ điện tử, xây gạch, tự động hóa công nghiệp, điện tử và thiết kế kỹ thuật cơ khí.
|
Hiện cả nước có khoảng 2 triệu người làm trong lĩnh vực dịch vụ làm đẹp. Tuy nhiên, phần lớn người làm nghề này chủ yếu là học theo kinh nghiệm. Hầu hết chỉ được các trung tâm, cơ sở làm đẹp dạy theo kiểu truyền nghề. Một số trường nghề có tổ chức dạy nghề, nhưng vì nhiều lý do như thiếu kinh phí, máy móc, giáo viên giỏi nghề… nên nghề làm đẹp vẫn chưa có những lớp đào tạo nghề đẳng cấp, chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là một trong những trường tham gia đào tạo nghề làm đẹp sớm nhất tại Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường đang tổ chức dạy nghề làm đẹp. Theo đó, học sinh sẽ được đào tạo từ 3-6 tháng (trình độ sơ cấp). Sau khóa học, học sinh được cấp bằng sơ cấp, có chứng chỉ hành nghề.
“Mặc dù được đầu tư khá nhiều, nhưng hiện nay ngành này vẫn chưa thể phát triển mạnh. Nguyên nhân là bởi ngành làm đẹp hiện nay đang bị “mang tiếng” xấu bởi có quá nhiều salon kém chất lượng”- ông Hưng nói.
Bà Đặng Thị Tuyết Mai- giảng viên ngành cắt uốn tóc nữ, Trường trung cấp nghề Nhân Đạo (TP.HCM) cho biết, trường cũng đang đào tạo nghề làm đẹp. Vì dạy trình độ trung cấp nên các học viên được đào tạo cụ thể tới 16 bộ môn như: Nhận diện được giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống; kiến thức về vệ sinh phòng bệnh cho da, tóc, mặt; an toàn lao động nghề, sử dụng hóa chất, chăm sóc móng tay; phối hợp phụ kiện với trang phục và hoàn cảnh… “Sau khóa học, các học sinh có thể được giới thiệu việc làm tại các spa, công ty nước ngoài. Ngoài ra, các em nếu thích cũng có thể tự tạo việc làm trong các salon, spa, hoặc tự mở cơ sở kinh doanh. Thu nhập trung bình của các lao động từ 5-8 triệu đồng/người/tháng” – bà Mai cho biết thêm.
Phát triển kỹ năng qua các cuộc thi
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của việc dạy, thực hành, phát triển kỹ năng nghề, Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam chuẩn bị tổ chức cuộc thi “Kỹ năng nghề làm đẹp Việt Nam lần thứ nhất”, diễn ra từ 18-19.4.2017 tại TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Thị Thuận- Chủ tịch Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, cuộc thi sẽ tập trung thi ở 4 kỹ năng làm đẹp: Trang điểm, tóc, móng, spa và làm đẹp. Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra ở 3 khu vực miền Bắc, Trung, Nam; để tuyển chọn 200 thí sinh tham dự thi cuộc thi chung kết tại TP.HCM. Thí sinh đoạt giải cao sẽ được lựa chọn huấn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12” - bà Thuận cho biết.
Ông Phạm Xuân Khánh- Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Kỹ năng nghề làm đẹp Việt Nam lần thứ nhất”, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, nghề làm đẹp đang thu hút rất đông người theo học. Hiện tại, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp cao Hà Nội cũng đang tổ chức các lớp đào tạo, chuyên ngành làm đẹp. Các học viên kết thúc khóa học được cấp bằng, giới thiệu công việc và có thu nhập cao. Thu nhập trung bình từ 5-8 triệu, nhiều em mở salon, tự tạo công việc, cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.