Nghề nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có từ lâu đời. Hiện toàn xã có trên 1.000 hộ nuôi rắn (chiếm khoảng 80% số hộ dân), mỗi năm cung cấp hàng chục nghìn con rắn hổ mang, hổ trâu cho thị trường trong nước.
Hang rắn được người dân xây với bề rộng khoảng 30 cm, sâu 60 cm, cao 30 cm. Mỗi hang chỉ nuôi một con.
Hầu như tất cả rắn nuôi là loại rất độc và nguy hiểm. Người dân nuôi từ lúc trứng nở đến khi được khoảng 2 kg phải mất gần ba năm.
Anh Bình, một chủ nuôi rắn, đang bơm thức ăn cho rắn. Tại xã Vĩnh Sơn, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 400 con, có hộ nuôi 1.000 con rắn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Thức ăn chủ yếu của rắn là cóc và chuột.
Vào giữa mùa đông, rắn bố mẹ được ghép đôi trong các chuồng nuôi. Đến tháng 3-4, khi tiết trời ấm áp, rắn cái sẽ đẻ trứng. Khoảng 60-70 ngày sau, trứng sẽ nở ra rắn con.
Nhiều hộ gia đình có nguồn thu lớn từ bán trứng rắn hổ mang. Đầu mùa giá trứng rắn khoảng 90.000 đồng/quả.
Trứng rắn vỏ mềm, nếu không cẩn thận chạm móng tay vào cũng có thể làm thủng.
Trứng rắn sau khi lấy về được người dân phủ cát, để quả trứng được căng bóng.
Việc tiêu thụ rắn hổ mang, rắn hổ trâu thịt khá thuận lợi do nhu cầu thị trường lớn. Không chỉ bán trong nước, mỗi năm xã xuất khẩu khoảng 150-200 tấn rắn thương phẩm sang thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.
Rắn thịt được chia làm ba loại: Loại một từ 1,5 kg/con trở lên giá khoảng 700.000 đồng/kg; loại hai nặng 1-1,4 kg/con giá 600.000 đồng/kg; loại ba dưới một kg/con giá 500.000 đồng/kg. Nhiều hộ mỗi năm kiếm được cả tỷ đồng từ nuôi rắn.
Giang Huy (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.