Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo: Người làng chụp thật về làng

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/10/2015 08:07 AM (GMT+7)
Hôm nay (2.10), tại Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo sẽ khai mạc triển lãm ảnh cá nhân với 60 bức về những ngôi làng. “Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng” - đó là lời dẫn nhập ngắn gọn, súc tích nhất của họa sĩ Lê Thiết Cương về cuộc triển lãm.
Bình luận 0

60 bức ảnh trong triển lãm lần này toàn bộ là đen trắng, góc chụp chủ yếu là trung hoặc cận cảnh, ít góc rộng, nhiều câu chuyện về số phận người nông dân. Chắc chắn những điều đó phải xuất phát từ một cảm xúc đặc biệt, thưa nghệ sỹ?

- Tôi chụp ảnh bao giờ cũng tránh các góc rộng, nếu góc rộng thì nó phải là cái gì đó như là sự hoài niệm của dĩ vãng, do đó có một số bức phong cảnh nhưng không phải phong cảnh thuần túy. Tôi không chụp phong cảnh như ảnh postcard du lịch mà thông qua phong cảnh phải nói được số phận con người.

img

Tác phẩm “Một thoáng “Chiêu Quân cống Hồ” trong đám rước hội Đền Đô” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo.  Ảnh: N.A 

Nói chung chụp cái gì cũng là chụp tôi, chụp cảm xúc của tôi. Tôi khép góc những gì gần gũi với mình. Chẳng hạn bức ảnh chụp quả bom treo ở đình Diềm (Bắc Ninh), đó là một quả bom từ hồi chiến tranh, giờ họ mang ra làm kẻng, treo ở đình là nơi rất thiêng liêng và người ta cho là bình thường. Đó là sự tương phản trong câu chuyện.

Tôi không dàn dựng thực tế, rất kỵ chụp dàn dựng, không bao giờ dàn dựng cả dù tôi không phản đối chuyện đó. Tôi “vồ” được cái gì thì được, còn không thì thôi, tôi phải chịu. Chủ ý là ảnh đen trắng bởi vì tôi xuất phát từ đen trắng lên, hồi đó chưa có ảnh màu. Bản thân đen trắng triệt tiêu tất cả màu sắc và chỉ còn sự thật, cũng là ảnh đó khi có màu sắc thì nó khác mà khi nhìn chỉ có đen trắng thì nó khác, đen trắng là sở thích riêng của tôi, cũng do mỗi người một suy nghĩ thôi.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã chia những ngôi làng anh chụp thành 4 khu vực, đó là làng châu thổ sông Hồng, làng miền biển, làng miền núi phía Bắc và làng Tây Nguyên như 4 chương của 1 bản giao hưởng. Liệu đó có phải là chủ ý để anh chọn ảnh cho triển làm này?

- Thực ra tôi đi chụp thì không ý thức như một nhà nghiên cứu mà chỉ ghi lại những cảm xúc của mình. Những gì tôi đi qua và tôi hiểu thì tôi chụp, tôi chụp đồng bằng sông Hồng nhiều nhất vì tôi hiểu nó nhất, có hiểu thì mới chụp, còn đồng bằng sông Cửu Long tôi không chụp vì tôi không hiểu. Châu thổ sông Hồng nó đại diện cho nông thôn Việt Nam, cho văn hóa Việt. Cái tinh thần của làng quê Việt Nam là đồng bằng sông Hồng vì nó ra đời sớm, từ thuở lập nước đến giờ thì làng quê châu thổ sông Hồng đã có. Từ làng châu thổ sông Hồng, người nông dân mang văn hóa làng của dân tộc mình mới lan dần vào phương Nam.

Có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thường than thở, rầu rĩ về sự thay đổi chóng mặt của phong cảnh làng quê hiện nay. Anh có nằm trong số đó không?

- Tôi chụp ảnh như một người mải chơi. Trong cuộc chơi đó tôi luôn tìm lại cội nguồn, xem cái gì còn, cái gì mất, cái gì đáng mất, cái gì đáng còn. 

img

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chuẩn bị cho triển lãm ảnh sẽ khai mạc vào tối 2.10. 2015. Ảnh: Ngọc Anh

Chúng ta đừng có cực đoan quá, cứ cho rằng cái gì của ngày xưa cũng là hay. Về xu hướng thay đổi của làng quê hiện nay có nhiều người kêu chán, sao bây giờ lại có cái cột điện ở đây, sao người dân tộc lại không mặc váy nữa... Tôi cho đó là sự ích kỷ. Người ta sống ở trên đời này có thực mới vực được đạo, bắt một người miền núi cứ phải mặc quần áo dân tộc suốt ngày thì làm sao họ sống được? Trong khi các anh đi chơi thoải mái bằng ô tô, đến nơi chỉ muốn chọn một góc đẹp đẽ để làm tác phẩm của anh trên sự khốn khổ của người khác thì đó là phi nhân văn.

Phải có một nông thôn hay miền núi hiện thực như hiện nay, theo tôi một bức ảnh đẹp là ảnh có nhiều thông tin, đa chiều về các khía cạnh chứ không phải nhiếp ảnh thuần túy duy mỹ. Người ta xem ảnh cứ bảo sao ảnh của ông sinh động thế, tôi trả lời vì tôi chụp thật, thật thà là cha quỷ quái, trên đời này không cái gì diễn được, diễn là bị giả ngay lập tức.

Có rất nhiều những gương mặt phụ nữ trong các bức ảnh ở triển lãm này, từ các bà cụ ngồi ở đình làng, cô thôn nữ đang uống nước từ cái nón trên cánh đồng đến cô thôn nữ trong ngày hội, người xem có thể đặt câu hỏi tại sao thế nhỉ?

- Trong ảnh của tôi, có gương mặt của nhiều người phụ nữ nông thôn xuất hiện, chắc do phản xạ về giới, ảnh hưởng của mẫu hệ trong tôi vẫn còn. Thực ra mà nói khuôn mặt người phụ nữ nông thôn Việt Nam dễ lộ, dễ lay động vì khuôn mặt đầy sức chịu đựng của cả cuộc đời mà chính họ nhiều lúc cũng không biết. Nó bao phủ toàn bộ niềm vui, ngay cả vui cũng có sự chấp nhận. Có lẽ vì vậy nó ập vào tôi lúc nào không biết.

Tôi chụp rất nhiều bức ảnh những người nông dân trong hội làng bởi ở đó họ rất đẹp, như có một đời sống khác. Những người nông dân mặc áo nâu vì nó gắn liền với đất, các cụ bà Kinh Bắc trong hội làng cũng không rời những bộ áo dài màu nâu đất đó, màu sắc ấy rất đẹp, nó làm nền cho những bộ quần áo sắc màu của các liền chị quan họ. Quê tôi ở Từ Sơn, Bắc Ninh, và cho dù được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi vẫn thích được giới thiệu mình là một người làng hơn, đó là gốc gác của tôi.

Xin cảm ơn anh!

  Triển lãm “Ký ức làng” của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo khai mạc vào 17 giờ 30 ngày 2.10 và kéo dài đến hết ngày 15.10 tại tầng 3, Trung tâm Thương mại Hàng Da (Hà Nội). Cũng trong dịp này, nghệ sĩ    Hữu Bảo ra mắt cuốn sách ảnh “Ký ức làng”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem