Nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hóa: Cơ hội đổi đời với người làng nghề

Chúc Ly Thứ bảy, ngày 13/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều người nhận định, việc nghề truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không những khẳng định vị trí quan trọng của các nghề truyền thống, mà còn mang lại cơ hội đổi đời cho những người gắn bó với nghề.
Bình luận 0

Giữa và cuối năm 2020, các nghề muối ba khía thuộc huyện Ngọc Hiển; gác kèo ong thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) và nghề muối ở Bạc Liêu đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lịch sử hàng trăm năm

Với điều kiện là các tỉnh ven biển, nghề muối ba khía và nghề muối gắn bó mật thiết với cư dân vùng biển. Đó là nghề mưu sinh của hàng chục ngàn lao động qua hàng trăm năm.

Về lại Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) những ngày cuối năm 2020, chúng tôi có dịp được các nghệ nhân tại đây giới thiệu cách muối ba khía ngon. Đây từ lâu là nghề truyền thống mang lại thu nhập khá cho hàng chục hộ dân tại Rạch Gốc, nơi có con ba khía trứ danh.

Vừa nhanh tay xếp những con ba khía vào hũ, anh Châu Ngọc Sang - người nhiều năm theo nghề muối ba khía ở Rạch Gốc, vừa chia sẻ: "Vào dịp tết, lượng tiêu thụ của món ba khía muối có nhiều hơn ngày thường. Cũng từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, không khí làm việc của bà con làng nghề phấn khởi hơn rất nhiều".

Tatnien/ Nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hóa: Cơ hội đổi đời với người làng nghề - Ảnh 1.

Gác kèo ong là nghề truyền thống nổi tiếng khắp nơi. Ảnh: Chúc Ly

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp năm 2011.

Theo anh Sang, muối ba khía là nghề truyền thống, bà con tự học hỏi lẫn nhau. Nghề này không khó nhưng để có được những con ba khía muối ngon, thịt chắc lại vừa ăn, đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng công đoạn. Mỗi người sẽ có cách làm riêng nhưng điều đặc biệt là vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn.

"Khi nghề muối ba khía được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tôi và những người theo nghề cảm thấy rất vinh dự. Đây là sự động viên rất lớn nhất đối với những hộ dân đã góp công gìn giữ nghề trong mấy chục năm qua. Chúng tôi nghĩ rằng, khi được công nhận là di sản văn hóa, ba khía muối ở địa phương sẽ càng được nâng giá trị, từ đó đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người theo nghề"- anh Châu nhận định.

Chị Nguyễn Hồng Đạm - chủ một cơ sở thu mua ba khía tươi và sản xuất ba khía muối ở thị trấn Rạch Gốc, cho biết, những năm gần đây, do giá trị kinh tế của con ba khía mang lại khá cao nên bị khai thác nhiều khiến sản lượng ngày càng giảm. Cơ sở thu mua của gia đình chị luôn nhắc nhở khách hàng không được bắt ba khía nhỏ và không thu mua ba khía nhỏ.

Nói đến gác kèo ong, nhiều người thường nghĩ ngay đến tập đoàn lấy mật (tiếng địa phương là ăn ong) Phong Ngạn (nay là Hợp tác xã 19/5) ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Có dịp tiếp xúc với những người thợ ăn ong ở đây, chúng tôi mới thấy hết tâm huyết với nghề của họ và những điều thú vị về nghề gác kèo ong. Hầu như dân trong vùng ai cũng biết đến Tập đoàn Phong Ngạn và ông Trần Văn Nhì (Út Nhì), bởi ông đã có hơn 40 năm trong nghề ăn ong.

Vừa gặp chúng tôi ông Út Nhì nói ngay: "Chú hay rồi, nghề gác kèo ong mới được công nhận là di sản. Nghe tin này, người theo nghề ai cũng mừng".

Tatnien/ Nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hóa: Cơ hội đổi đời với người làng nghề - Ảnh 3.

Nghề muối ba khía được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ hội để nhiều người theo nghề nâng thu nhập. Ảnh: Chúc Ly

Theo ông Út Nhì, việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác kèo, ong cũng đến làm tổ. Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa mưa và mùa hạn. "Trung bình mỗi năm có 2 mùa mật chính, tôi thu hoạch khoảng 500 lít mật/năm. Mấy chục năm theo nghề tôi chưa từng biết đến việc pha loãng mật ong, cứ lấy về vắt ngay và bán. Nay nghề được công nhận là di sản văn hóa rồi, chúng tôi càng phải dặn dò nhau giữ gìn thương hiệu"- ông Út Nhì chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Vững - Chủ nhiệm Hợp tác xã 19/5 cho biết: "Việc lấy mật của các thợ ăn ong tuân thủ quy chế rất chặt chẽ, các tổ viên, nếu phát hiện có sự gian lận chất lượng mật hay làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng của bầy ong sẽ bị loại ra khỏi hợp tác xã. Nhờ vậy mà mấy chục năm nay mật ong ở đây luôn được đảm bảo. Trung bình mỗi thợ gác kèo ong ở hợp tác xã thu từ 200 lít mật/mùa".

Nhọc nhằn bao đời

Muối ba khía và gác kèo ong đều là những nghề truyền thống, có bề dày lịch sử lâu đời ở Cà Mau. Những người theo nghề ngoài cố gắng để có được nguồn thu nhập ổn định; họ cũng ý thức giữ gìn những nét đẹp đã trở thành giá trị tinh thần đáng trân trọng. Dù rằng, những người theo nghề cũng trải qua lắm thăng trầm và nhọc nhằn.

Anh Trần Văn Chơn - một người theo nghề gác kèo ong ở Cà Mau, bộc bạch: "Nghề này đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, chịu khó học hỏi. Bởi không ai dạy ai, tất cả là nhờ vào kinh nghiệm. Những năm gần đây, các đường kênh vào rừng đã thông thoáng, nhưng chúng tôi vẫn phải tốn nhiều công sức để lội rừng đặt kèo ong và lấy mật. Nhọc nhằn là vậy, nhưng chúng tôi ý thức rằng, đây là nghề đem lại thu nhập khá, là cuộc sống của chúng tôi, nên phải tiếp tục giữ gìn".

Trong khi đó, ông Trần Văn Thưa (diêm dân ở ấp Diêm Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cho hay: "Nghề làm muối không tốn nhiều vốn đầu tư. Nhưng nghề này rất cần sự cần cù, chịu khó và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm của người làm. Dù nhiều nhọc nhằn, nhưng phần lớn diêm dân ở đây vẫn quyết không bỏ nghề làm muối. Công sức lao động của chúng tôi đã được đền đáp khi giá muối và đầu ra của hạt muối đã dần ổn định, thoát cảnh ế ẩm như nhiều năm trước".

"Nghề làm muối được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia càng giúp những diêm dân có thêm động lực để duy trì nghề" - ông Thưa phấn khởi nói.

Khi các nghề truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, hầu hết các nghệ nhân, người theo nghề mà phóng viên gặp đều bày tỏ sự hãnh diện. Bên cạnh đó, họ cũng kỳ vọng vào sự đầu tư đúng mức của địa phương trong phát triển, nâng giá trị và tạo ra thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, 2 nghề truyền thống của tỉnh là gác kèo ong và muối ba khía Rạch Gốc được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm vui rất lớn. Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch này, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các di sản: Lễ hội nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem