Đào Tuấn
Thứ hai, ngày 10/02/2025 07:00 AM (GMT+7)
Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng 4 cán bộ thuộc cơ quan này vừa xin nghỉ hưu trước tuổi. Lý do, là để góp phần tạo thuận lợi cho công tác tinh gọn bộ máy. Mở ngoặc nói thêm: Thời gian nghỉ sớm là 4 năm.
Đây rõ ràng là một sự "hy sinh". Hy sinh những lợi quyền cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.
Còn nhớ, khi nói về vấn đề tinh giản bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm không ngẫu nhiên nêu rõ đây là công việc "khó khăn, phức tạp", không chỉ "đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm", mà còn cần tới cả sự "hy sinh", của từng cán bộ, đảng viên. Tình nguyện, xung phong nghỉ hưu trước tuổi - để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh giản bộ máy - đó chính là sự hy sinh.
Ở Quảng Ninh, nữ Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan cấp tỉnh tình nguyện viết đơn xin nghỉ, dù 3 năm nữa mới hết tuổi công tác. Ở Nghệ An, 4 đại tá và 1 thượng tá công an làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ở Yên Bái, Trưởng Ban Dân vận, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác tiên phong xin sớm.
Ở Bắc Ninh, 4 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp bộ máy, trong đó có Phó Ban Tuyên giáo và Dân vận. Ở Thái Nguyên, 638 cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc khối chính quyền có nguyện vọng và đăng ký xin nghỉ hưu trước tuổi cũng như nghỉ công tác.
Ở Hà Tĩnh, chỉ một huyện Thạch Hà cũng đã có hơn 40 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó có trường hợp ông Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Hà xin về hưu trước tuổi hơn 6 năm...
Có thể thấy ở địa phương nào cũng xuất hiện những cán bộ tiên phong, gương mẫu. Cho dù việc về nghỉ sớm chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Chánh văn phòng - Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 tổ chức chiều 5/2 về vấn đề kinh phí chi trả cho những người nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp tinh giản bộ máy. Ảnh: Q.N
Nhìn phản ứng từ dư luận, có thể thấy những điều rất đáng mừng. Nếu những ngày đầu, dư luận từng có những băn khoăn lo lắng về việc sắp xếp, tinh giản thì đến nay, làn sóng nghỉ hưu sớm như một sự khẳng định sự đồng thuận. Thay vì sự hồ nghi, xã hội lại ghi nhận nó như một hành động đúng đắn, một bước đi cần thiết để giúp bộ máy hoạt động tinh gọn hơn.
Có câu: "Tư tưởng mà không thông, vác bình tông cũng nặng". Nhưng ngược lại "Tư tưởng mà thông thì ngàn cân hóa bấc". Bởi nhìn ở giác độ tư tưởng "phong trào" này đang cho thấy một khía cạnh tích cực khác: Sự thấu suốt.
Mới biết, khi một quyết định dẫu khó khăn, đụng chạm nhưng được đưa ra trong bối cảnh phù hợp và nhận được sự đồng thuận của nhiều người, nó sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành động lực. Phong trào "nghỉ hưu" sớm đang chứng minh điều đó. Nó không chỉ phản ánh tinh thần trách nhiệm của cán bộ mà còn thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân trong việc cải tổ bộ máy hành chính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã khẳng định: Dự kiến các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất bước đầu sẽ giảm từ 35% - 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Con số này rất lớn, và số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan cũng rất lớn.
Trong phiên họp gần đây, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra, việc tinh gọn bộ máy lần này số lượng người bị ảnh hưởng khá đông, có thể là đông nhất từ trước đến nay với khoảng 100.000 người.
Tuy nhiên, tinh thần của sắp xếp, của tinh giản lần này, ngoài đòi hỏi phải "nhanh, mạnh, nổi trội", còn có những yêu cầu khác. Đó là "nhân văn, công bằng" để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bộ Nội vụ tính toán: Cần 130.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách, chế độ với các cán bộ thuộc diện sắp xếp, tinh giản.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 vừa qua, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ khẳng định: Nguồn kinh phí chi trả cho những người nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp được bảo đảm, thậm chí thấp hơn kinh phí trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong vòng 5 năm. Và như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện".
Điều đó cho thấy, việc tinh giản không chỉ là bài toán tổ chức mà còn là bài toán kinh tế. Sắp xếp bộ máy, nếu thực hiện tốt, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả làm việc mà còn tiết kiệm ngân sách đáng kể.
Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có một nhân vật rất "đáng kể" và "đáng nể" là cụ Nguyễn Công Trứ. Đáng kể, vì những vị trí quan trọng trong bộ máy ông từng nắm giữ, từ việc huy động dân lấn biển khẩn hoang, tận lực cống hiến. Còn "đáng nể" ở sự thức thời. Khi một ngày nào đó, sẵn sàng từ quan, ra đi trong sự thanh thản, khi cảm thấy không còn thích hợp.
"Phong trào" nghỉ hưu sớm hiện nay cũng có thể nhìn dưới góc độ tương tự. Nó thậm chí không phải là chuyện đơn giản của một vài cá nhân, mà là sự chuyển động của cả một hệ thống. Trong bối cảnh tinh giản biên chế đang trở thành yêu cầu cấp thiết, việc nhiều cán bộ chủ động rời khỏi bộ máy cho thấy sự thấu suốt và trách nhiệm.
Lịch sử đã từng chứng kiến những người như Nguyễn Công Trứ, sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Ngày nay, những cán bộ tự nguyện rời bỏ vị trí không phải vì họ không còn khả năng, mà vì họ nhìn thấy một viễn cảnh tốt đẹp hơn cho bộ máy hành chính.
Tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm số lượng cán bộ, mà là tạo ra một cơ chế vận hành hiệu quả hơn, năng động hơn.
Và trên hết, nó là câu chuyện của tinh thần trách nhiệm, của sự thay đổi vì lợi ích chung. Những người rời đi hôm nay, vì thế - không chỉ đang "nghỉ hưu" mà thực tế, họ đang mở đường cho một tương lai hành chính hiệu quả, năng động và gọn nhẹ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.