Cụ thể, đối tượng bị điều tra là tấm in kỹ thuật số có mã HS 8442.50 hoặc một số sản phẩm thuộc các mã HS 3701.3000, 3704.0090, 3705.1000, 7606.1190, 7606.9190 và 7606.9290. Thời kỳ điều tra (POI) từ ngày 1/7/2018 đến ngày 31/3/2019 (9 tháng).
Sau quá trình điều tra, DGTR đã kết luận sơ bộ: Hàng hóa bị điều tra bán phá giá vào thị trường Ấn Độ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Do đó, DGTR đã đề nghị áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm bị điều tra. Mức thuế tạm thời được xác định dựa trên biên độ bán phá giá của từng doanh nghiệp của từng nước/vùng lãnh thổ; các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam là 0,76 USD/1 m2.
Ngoài ra, DGTR cho biết thêm, cơ quan này sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ một số doanh nghiệp xuất khẩu nếu cần thiết. Bên cạnh đó, DGTR cũng đề nghị các bên liên quan có ý kiến bình luận trong vòng 40 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ.
Sản phẩm tấm in kỹ thuật của Việt Nam đang bị Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá tạm thời.
Trước đó, theo thông báo của Bộ thương mại Ấn Độ, nước này đã bắt đầu cuộc điều tra về việc bán phá giá các tấm in kỹ thuật số từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam theo đơn khiếu kiện của một nhà sản xuất trong nước.
Cụ thể cuộc điều tra được khởi xướng dựa trên đơn kiện do Cty Technova Imaging Systems (Ấn Độ) đệ trình để áp thuế chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu tấm in offset kỹ thuật số từ năm quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên.
Theo đó, thời gian điều tra sẽ là khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019. Tuy nhiên, DGTR cho biết, các cơ quan chức năng của Ấn Độ sẽ phân tích dữ liệu của ba năm trước (2015-18). Sản phẩm được sử dụng trong ngành in để truyền dữ liệu dưới dạng hình ảnh (mẫu chấm hoặc văn bản) lên giấy hoặc trên các tấm thiếc hoặc màng poly.
Nếu được xác định rằng việc bán phá giá đã gây tổn thương về vật chất cho sản xuất trong nước, DGTR sẽ khuyến nghị áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu này.
Trong một thông báo gần đây, DGTR cho biết họ có bằng chứng đầy đủ về việc bán phá giá các tấm in kỹ thuật số từ các công ty nhất định của năm quốc gia này.
Cụ thể, DGTR cho rằng họ có đủ bằng chứng cho thấy giá trị bình thường của các tấm tại các quốc gia này cao hơn giá xuất khẩu của nhà máy. Do đó, DGTR kết luận, sản phẩm đang được các nhà xuất khẩu của năm quốc gia này đang bán phá giá vào thị trường Ấn Độ.
Trước những động thái trên từ phía Ấn Độ, để đảm bảo quyền lợi, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này có liên quan của Việt Nam chủ động, tiếp tục tham gia, hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin cho DGTR trong quá trình điều tra để đảm bảo kết quả tích cực cho vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.