Nghị quyết 57: Bỏ được việc "lấy thước kẻ đo kết quả nghiên cứu khoa học" ? (Bài cuối)
Nghị quyết 57: Bỏ được việc "lấy thước kẻ đo kết quả nghiên cứu khoa học" ? (Bài cuối)
Phi Long
Thứ ba, ngày 21/01/2025 10:43 AM (GMT+7)
Nghị quyết 57 được các chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng là luồng gió mới trong nghiên cứu khoa học thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
LTS: Vừa qua, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã ra đời, chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nghị quyết 57 có thể xem là "Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học", "Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết", "Nghị quyết của hành động" với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Nghị Quyết 57 được kỳ vọng giúp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.
TBT Tô Lâm trong bài phát biểu của mình đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dân Việt triển khai loạt bài "Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng tạo kỳ tích trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những đột phá của NQ 57 cùng những giải pháp để NQ này sớm đi vào cuộc sống, giúp KHCN tạo nên những kỳ tích để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Xóa cơ chế "bốc thuốc, xin cho" trong nghiên cứu khoa học
Chia sẻ với Dân Việt, một nhà khoa học từng học tập nghiên cứu ở nước ngoài (đề nghị không nêu tên) cho biết rất mừng khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, nhận diện thẳng thắn những nút thắt về cơ chế, chính sách để tháo gỡ.
Theo nhà khoa học này, một trong những cơ chế cần được tháo gỡ ngay, là việc hiện nay các nhà khoa học bắt buộc phải hoàn thành đề tài nghiên cứu theo đúng thuyết minh ban đầu, nếu không đạt sẽ phải xuất toán.
"Theo yêu cầu hiện nay, tất cả sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học phải được định tính, định lượng rất chi tiết trong thuyết minh để làm cơ sở nghiệm thu, quyết toán đề tài nghiên cứu. Đây là cách làm rất máy móc, coi nghiên cứu khoa học không khác gì dây chuyền sản xuất trong nhà máy", vị này cho hay.
Đồng thời, hiện còn thiếu căn cứ định mức công lao động cho nhà khoa học, định mức sử dụng nguyên vật liệu, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản nhưng lại có quy định bắt buộc nhà khoa học xây dựng thuyết minh đề tài dự án dựa trên "định mức". "Điều này dễ dẫn tới việc cấp kinh phí nghiên cứu theo kiểu "bốc thuốc" hay cơ chế xin - cho", nhà khoa học trẻ cho hay.
Theo nhà khoa học này, thủ tục giấy tờ để thực hiện đề tài/dự án nghiên cứu còn phức tạp, rườm rà, có thể mất hơn 50% thời gian nghiên cứu. Thêm nữa, thủ tục hành chính liên quan đến đấu thầu, mua bán rất khó khăn, chậm chạp, đòi hỏi nhiều vấn đề khiến tiến độ đề tài bị chậm. Đấu thầu nguyên vật liệu cho nghiên cứu khoa học mang tính chất đặc thù với một số ngành, nên doanh nghiệp không mặn mà hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu.
"Nhà khoa học phải tự làm tất cả, từ công việc của kế toán đến đấu thầu, báo cáo nên khó tập trung cho nghiên cứu. Vướng mắc ở chế độ đãi ngộ cho các bộ phận chuyên trách thuộc đơn vị nghiên cứu khiến công việc bị đẩy về tay cán bộ khoa học", nhà khoa học nêu vướng mắc về thủ tục.
Chưa hết, theo vị này, đến khi hoàn thành đề tài khoa học, các thủ tục về kiểm tra, kiểm toán còn rườm rà, máy móc, gây khó khăn, mất thời gian cho nhà khoa học. "Có thể mỗi ngày chúng tôi làm hàng trăm thí nghiệm khác nhau, mỗi thí nghiệm với chục loại hóa chất lượng rất nhỏ. Nhưng khi nghiệm thu, quyết toán vẫn phải liệt kê từng loại hóa chất cho từng thí nghiệm mỗi ngày. Thời gian 8 tiếng làm việc mỗi ngày không đủ để nhà khoa học ngồi liệt kê sổ sách danh mục hóa chất, nói gì đến thời gian nghiên cứu".
Chính vì vậy, Nghị quyết 57 ra đời, trong đó có nhiệm vụ cụ thể về "Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" đang đem lại kỳ vọng thay đổi cơ bản cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cần có những đề tài chấp nhận rủi ro để đột phá
Nhìn lại thực trạng nghiên cứu khoa học thời gian qua, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài Chính cho rằng, bên cạnh các nghiên cứu có ích, được triển khai tốt trong thực tiễn và đem lại hiệu quả nhất định thì vẫn còn có nghiên cứu khoa học mang tính hình thức, phiến diện, ứng phó... Thậm chí có nghiên cứu xong chỉ "cất vào ngăn kéo" và tiêu tốn không ít tiền ngân sách của Nhà nước mà không hiệu quả. Từ đó, kết quả của các nghiên cứu không thực sự có ích cho cuộc sống và không đạt được mong muốn cho người dân.
Bên cạnh đó, chi cho nghiên cứu khoa học không lớn, chỉ đạt 0,7 đến 0,8% tổng chi ngân sách hàng năm. Kinh phí đã không nhiều lại đầu tư dàn trải, không tập trung và đầu tư theo kiểu từ trên giao chỉ tiêu xuống, trong đó nhiều đề tài chung chung dễ thực hiện.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, có chính sách rồi cũng cần tư duy đột phá ngay ở chính các nhà khoa học khi chọn đề tài triển khai nghiên cứu. Ảnh: PV
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc giao thầu, đấu thầu nghiên cứu theo hướng "thị trường khoa học" dù đã được triển khai, nhưng "thước đo" đề tài nào cần được đầu tư cũng còn chung chung. Trong khi, cơ chế giám sát nghiên cứu khoa học đang chỉ dừng lại ở mức "cào bằng". "Giao ngân sách theo KPI, hết thời gian là phải có kết quả mới đủ điều kiện giải ngân. Do đó, tâm trạng của nhà khoa học cứ lặp đi, lặp lại kiểu làm cho xong", ông Thịnh nói.
Từ những tồn tại trong nghiên cứu khoa học hiện nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhiều nhà khoa học cần có sự thay đổi về cơ chế chính sách để sáng tạo, đổi mới. Do đó, Nghị quyết 57 đã được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm về tư duy và sự đột phá từ chính sách này.
Theo ông Thịnh, chính sách từ Nghị quyết 57 này được đánh giá sẽ tạo ra sự đổi mới, khơi dậy sự sáng tạo, giúp các nhà khoa học sẽ mạnh dạn nghiên cứu vào các đề tài "khó hơn, mạo hiểm, phiêu lưu hơn" và đặc biệt có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao hơn trong cuộc sống như: AI, bán dẫn, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu lớn…
Nghị quyết 57 sẽ giúp cho các nhà khoa học dám đưa ra những đề tài nghiên cứu có tầm vóc, mang tính đột phá và được Nhà nước hỗ trợ dài hơi, chấp nhận rủi ro để tạo ra sự khác biệt. "Tất nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều thành công và có kết quả như mong đợi nhưng cơ chế có rồi cũng cần sự đột phá cả về tư duy của người nghiên cứu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Cũng qua Nghị quyết 57 chúng ta thấy rằng, TƯ Đảng đã luôn quan tâm đến nghiên cứu khoa học, đến đổi mới sáng tạo công nghệ. "Từ đó cho thấy, quan trọng nhất là phải hiểu được tư duy, tạo ra đột phá, tạo ra sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong nghiên cứu sẽ có cơ chế phù hợp đi theo, giúp cho nhà khoa học đủ nguồn lực về vật chất, đủ khả năng để tự tin thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong thời kỳ mới", ông Thịnh kết luận.
TS. Nguyễn Văn Tạo - Học viện Hành Chính và Quản trị công. Ảnh NVCC.
Còn TS Nguyễn Văn Tạo – Học viện Hành chính và Quản trị công đánh giá Nghị quyết 57 sẽ là một luồng gió mới trong tư duy và hành động về khoa học công nghệ.
"Đất nước chúng ta đang đứng trước một thời cơ mới, vận hội mới vô cùng quan trọng mang tính quyết định để vươn mình. Song để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình thì việc khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện phát huy các nguồn lực phục vụ sự phát triển là điều vô cùng quan trọng. Nghị quyết 57 của Đảng là một động lực to lớn, khơi thông tư duy mới về phát triển KHCN", TS Tạo chia sẻ.
Theo ông Tạo, Nghị quyết 57 không chỉ tạo điều kiện cho lĩnh vực KHCN phát triển mà còn là tiền đề, là cơ sở để thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.
TS Nguyễn Văn Tạo cho hay: "Một thời gian dài chúng ta tập trung khai thác các nguồn lực, tài nguyên sẵn có của đất nước, nhưng rõ ràng tính hiệu quả không cao và thiếu tính bền vững. Nghị quyết 57 sẽ giúp các nhà khoa học yêm tâm nghiên cứu để có những đề tài mang tính thực tiễn và tính ứng dụng cao hơn. Qua đó, giúp cho những nghiên cứu tạo ra kết quả mang tính đột phá, góp phần tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội và người được hưởng thụ từ các nghiên cứu chính là người dân".
Đánh giá đúng về "công việc nghiên cứu khoa học"
TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp) hiện đang làm Trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng chỉnh sửa gen tạo ra giống lúa kháng bạc lá. TS Phương đã và đang nghiên cứu nhiều đề tài khoa học liên quan đến cây lúa.
Theo TS Phương, với những giải pháp từ Nghị quyết 57, nhà khoa học có thêm nhiều kỳ vọng, trong đó kỳ vọng trước tiên là "sống được với nghề nghiên cứu khoa học".
TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng chỉnh sửa gen tạo ra giống lúa kháng bạc lá và các cộng sự trong khu vực nghiên cứu, khảo nghiệm. Ảnh: Tùng Đinh.
"Thực tế rằng với thu nhập 5 triệu/tháng thì không có nhà khoa học nào kỳ vọng vào đột phá khoa học. Với đặc thù một số ngành khoa học, nếu tập trung nghiên cứu nhà khoa học sẽ không thể hoặc rất ít có cơ hội thu nhập tăng them từ bên ngoài. Tôi biết có nhiều nhà khoa học trẻ say mê làm khoa học nhưng thu nhập không cao, mất dần động lực nghiên cứu. Như vậy sẽ không thể thu hút nhân tài, không đổi mới khoa học", TS Phương nêu vấn đề.
Tiếp theo đó, nhà khoa học cần được cởi bỏ những thủ tục hành chính, báo cáo giấy tờ để chuyên tâm, tập trung toàn bộ sức lực cho nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học cần chấp nhận rủi ro, tiến hành theo từng phần, từng giai đoạn, nếu không khả thi có thể dừng lại. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng cần được giao khoán theo cả đề tài lớn.
TS Nguyễn Duy Phương đề xuất: "Nếu đã phê duyệt một dự án nghiên cứu với một mức kinh phí nhất định thì không cần kiểm duyệt việc chi tiêu sử dụng từng công việc nhỏ lẻ, vì nghiên cứu khoa học không có định mức. Do đó, không thể bắt các nhà khoa học lên dự toán sẽ làm bao nhiêu thí nghiệm cho từng công việc rất cụ thể. Thay vào đó là giao khoán cho cả đề tài lớn, miễn sao khi kết thúc có báo cáo số liệu đầy đủ".
Bên cạnh đó, TS Phương cũng cho rằng cần tách biệt nghiên cứu trong lĩnh vực cơ bản và lĩnh vực ứng dụng. Nhà nước có thể đầu tư 100% cho các nghiên cứu cơ bản, mang tính chất định hướng tạo sản phẩm trung gian. Còn Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học sẽ cùng đầu tư nghiên cứu tạo ra sản phẩm.
"Tôi đề nghị đầu tư ngân sách Nhà nước ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ mới. Còn các lĩnh vực nghiên cứu truyền thống nên dành cho doanh nghiệp đặt hàng nhà nghiên cứu", TS Phương đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.