Nghỉ Tết Nguyên đán sẽ vô hiệu hoá đối tượng gây rối tại trạm thu phí BOT

16/01/2020 15:10 GMT+7
Thực hiện Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 09/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí.

Cụ thể, trong công điện vừa phát đi của Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT các địa phương có dự án BOT đi qua; các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân năm 2020.

Nghỉ Tết nguyên đán sẽ vô hiệu hoá đối tượng gây rối tại trạm thu phí BOT  - Ảnh 1.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Công an các địa phương và UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/01/2018 về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.

Tổ chức giao thông khoa học, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại khu vực trạm không để xảy ra ùn tắc, đặc biệt các trạm đang xảy ra phức tạp; chủ động mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra tắc đường; tiến hành xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ không đúng nơi quy định.

Phối hợp Sở GTVT các địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối mất an ninh, trật tự tại các trạm thu phí để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cũng với đó là chủ động phối hợp với các nhà đầu tư cung cấp ngay cho Bộ Công an, Công an các địa phương các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu phí (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm minh với các đối tượng gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đặc biệt, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng các tuyến đường, kịp thời yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT xử lý, sửa chữa bảo đảm chất lượng khai thác.

Phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nghiên cứu, bố trí làn xe dành riêng cho các phương tiện thu phí không dừng, xe ưu tiên, xe vé quý, vé tháng để tránh ảnh hưởng lưu thông đối với các phương tiện khác; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về dự án tại các trạm thu phí. Đồng thời phối hợp với Văn phòng Bộ GTVT trong công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan.

Văn phòng Bộ GTVT: Cung cấp thông tin đầy đủ về đầu tư các công trình giao thông nói chung, các dự án BOT nói riêng, nêu rõ quan điểm của Bộ GTVT về các ý kiến khác nhau qua phản ánh của dư luận.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và truyền thông để chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin mạnh mẽ, liên tục, tổ chức đợt tuyên truyền chuyên đề để phản ánh trung thực, khách quan liên quan đến chủ trương đầu tư BOT.

Sở GTVT các địa phương: Phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.

Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư trong việc cung cấp cho Bộ Công an, Công an địa phương các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu phí (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình). Phối hợp với Văn phòng Bộ GTVT trong công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan.

Thế Anh
Cùng chuyên mục