Nghi vấn tăng vốn ảo tại CDO

24/08/2020 10:21 GMT+7
Mở rộng vụ án thao túng giá cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị, cơ quan điều tra đang làm rõ nghi vấn tăng vốn ảo tại đây.

CDO đăng ký kinh doanh vào năm 2008, vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, ngành nghề chính là hoàn thiện công trình xây dựng, buôn bán kim loại, quặng kim loại, đúc sắt thép… Ðại diện theo pháp luật là ông Vũ Ðình Nhân - Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Từ 2011-2016, CDO thực hiện 4 lần tăng vốn điều lệ, cụ thể vào tháng 4/2011 là 12 tỷ đồng; tháng 7/2011 là 18 tỷ đồng; tháng 11/2014 là 200 tỷ đồng và tháng 9/2016 là 315 tỷ đồng. Ðợt tăng vốn mạnh nhất vào giai đoạn 2014-2016 là khoảng thời gian cổ phiếu CDO bị “làm giá”.

Theo cáo trạng của toàn án, trong đợt tăng vốn lên 315 tỷ đồng, CDO đã phát hành 8.505.005 cổ phiếu, trị giá 85 tỷ đồng cho 170 cá nhân. Tuy nhiên, có 9 cá nhân được hợp thức việc mua 7.914.982 cổ phiếu phiếu (tương đương 93% tổng lượng phát hành), trị giá 79,14 tỷ đồng.

Nghi vấn tăng vốn ảo tại CDO - Ảnh 1.

Mở rộng vụ án thao túng giá cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị, cơ quan điều tra đang làm rõ nghi vấn tăng vốn ảo tại đây.

Nguồn tiền mua cổ phiếu (84,2 tỷ đồng) do Nguyễn Thị Ngọc Lan và Tạ Ðức Hoàng thế chấp sổ tiết kiệm, vay tiền TPBank với số tiền lần lượt là 33,2 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Sau đó, có 9 cá nhân đã nộp 84,2 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương tại TPBank.

Số tiền này tiếp tục được chuyển qua tài khoản phong tỏa của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, trước khi được chuyển tới tài khoản của CDO tại TPBank.

Từ tài khoản Công ty, CDO đã chuyển 50 tỷ đồng vào tài khoản của CTCP Lương thực Hồng Hà và 30 tỷ đồng vào tài khoản của bà Lê Kim Thu (mẹ ông Vũ Ðình Nhân). Kế toán CDO là ông Nguyễn Minnh Quang đã rút số tiền còn lại 4,2 tỷ đồng.

Cuối cùng, số tiền trên được nộp lại vào tài khoản của Nguyễn Thị Ngọc Lan và Tạ Ðức Hoàng để tất toán khoản vay.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Ngọc Lan và Tạ Ðức Hoàng khai nhận làm thủ tục vay số tiền 84,2 tỷ đồng bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm để cho một nhóm cá nhân, trong đó có bà Nguyễn Vân Giang vay lại.

Nhóm này nhờ 9 cá nhân đứng tên hợp đồng thực hiện việc nộp tiền mua cổ phiếu CDO trong đợt phát hành.

Cơ quan điều tra đã triệu tập một số người liên quan, nhưng không ai đến làm việc. Trong đó, ông Vũ Ðình Nhân không có mặt tại Việt Nam (ở Mỹ).

Năm 2018, cơ quan công an đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá hành vi vi phạm của các đối tượng và xác định hậu quả.

Cơ quan này cho biết, việc tăng vốn của CDO tuân thủ quy định pháp luật. Báo cáo kết quả chào bán có gửi kèm xác nhận của ngân hàng về số dư tài hoản phong tỏa tại thời điểm kết thúc đợt chào bán.

Mặt khác, báo cáo tài chính các năm 2016, 2017 đã kiểm toán ghi nhận CDO có khoản đầu tư tại CTCP Năng lượng là 30 tỷ đồng, CTCP Lương thực Hồng Hà 50 tỷ đồng theo đúng phương án sử dụng vốn tại bản cáo bạch chào bán chứng khoán ra công chúng và được Ðại hội đồng cổ đông Công ty thông qua, đồng thời ghi nhận vốn điều lệ tăng tương ứng với 2 khoản đầu tư này.

Theo Ủy ban Chứng khoán, pháp luật không cấm các cá nhân vay, mượn tiền để mua cổ phiếu của tổ chức phát hành. Ðể xác định có hay không việc tăng vốn ảo thì cần làm rõ động cơ, mục đích của Ban lãnh đạo Công ty khi chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ; làm rõ các khoản đầu tư, các đối tượng hợp thức sử dụng vốn, rút tiền góp vốn ra khỏi doanh nghiệp, thiệt hại của nhà đầu tư…

Cơ quan điều tra cho biết đã xác minh các nội dung trên, nhưng chưa được làm rõ nên quyết định tách, rút hồ sơ để xử lý sau.

Sau lùm xùm thao túng giá, đến ngày 6/8/2018, cổ phiếu CDO bị hủy hiêm yết tại HOSE, hiện giao dịch trên thị trường UPCoM với giá 800 đồng/cổ phiếu. Hoạt động kinh doanh những năm qua cũng liên tục đi xuống và đã lỗ liên tiếp 2 năm gần nhất. Được biết, giá tham chiếu cổ phiếu CDO trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE (9/3/2015) là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Đỗ Mến/ĐTCK
Cùng chuyên mục