Nghĩ về cách thua của Olympic Việt Nam

Thứ năm, ngày 18/11/2010 06:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình yêu với bóng đá Việt Nam vừa được hâm nóng bỗng bị giội gáo nước lạnh. Buồn hơn cả là sau trận đấu HLV Calisto lại lý giải chuyện Việt Nam bị thua một cách rất... cùn.
Bình luận 0

Những gương mặt cúi gằm sau trận đấu Olympic VN - Olympic Triều Tiên: HLV, VĐV, CĐV ở Quảng Châu, còn người hâm mộ bên nhà khó có thể “ngẩng cao đầu” sau trận thua kiểu ấy.

“Ở nhà lại hóa hay”

Những HLV ngoại lần lượt đến Việt Nam định hình cho chúng ta lối đá: Phòng ngự - Phản công. Họ đã sai, đó là lỗi của họ.

img
Olympic VN gây thất vọng cho người hâm mộ về lối chơi

Trên khán đài. Nguyễn Thùy Chi -­ cô con gái mảnh mai của đất đào Nhật Tân, Hà Nội đang du học ở đây chán ngán khi cầu thủ Chu Ngọc Anh của Olympic Việt Nam bị đuổi ra sân lúc gần hết hiệp 1. Cô bảo: “Mấy anh này đá như cầu thủ ngoài bãi Phúc Xá”.

Tôi lại phải đau khổ khi giải thích cho những CĐV còn lại rằng: “Bãi Phúc Xá, Hà Nội là nơi dân “xóm liều” ở. Tại đây có nhiều bãi bóng đá nổi tiếng với kiểu đá “bụi”, đá “phủi” đầy bạo lực”. Nhìn cú ra đòn khủng khiếp của số 27 Olympic Việt Nam, cậu Minh - du học sinh người Nam Định nhệch mồm chán chường: “Chuyển ông này sang đội karate thì hợp lý hơn”.

Các CĐV khác trên khán đài vắng vẻ của SVĐ Việt Tú, phần lớn là sinh viên Việt Nam du học sắm đủ cờ quạt băng rôn nhưng không buồn căng ra, họ căng thẳng ngồi chờ… hết giờ. Cũng may sân vắng chứ nếu không thì cũng ngượng.

Ngữ pháp Việt Nam kỳ lạ! “Thôi” mà không có dấu chấm than là sự từ bỏ nhẹ nhàng không vướng bận. Thật ra, Olympic Việt Nam dừng bước ở trận đấu là chuyện “thôi” nhẹ nhàng. Nhưng phải thêm dấu chấm than trong lòng người hâm mộ.

Hiếm hoi trên sân có một bác CĐV có tuổi. Bác là Nguyễn Đình Toàn, lúc mới vào sân, gặp tôi bác vui lắm: “Vợ tớ là dân buôn quần áo ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Bà ấy sang Quảng Châu như đi chợ nhưng tớ đã được đi lần nào đâu. Nịnh mãi bà ấy mới cho mình đi sang xem đây Olympic đá. Mấy trận đầu, vui quá khi thấy đội mình lọt vào vòng trong, tớ khoái lắm. Trận này mà thắng, tớ về nói phét là khối bà trong xóm tớ ăn đòn”.

Dân Ninh Hiệp nổi tiếng với chuyện buôn bán, lấy được vợ người Ninh Hiệp coi như “nhà đã sát kho bạc – hết tiền mang thúng sang lấy”. Gái Ninh Hiệp cũng nổi tiếng là chiều chồng nên trai Ninh Hiệp nhàn rỗi, cả ngày có mỗi việc đưa và đón vợ. Nội trong huyện Gia Lâm, trai Ninh Hiệp cái gì cũng nhất: Thể thao, đá gà, chơi cây… Tất nhiên cả chuyện nể vợ cũng đứng đầu hàng huyện. Thế mà dám cho vợ ăn đòn vì chuyện không cho sang Trung Quốc xem bóng đá thì mới biết tình yêu bóng đá của mấy vị ở đây lớn và mạnh mẽ thế nào.

Rất may cho mấy bà vợ của mảnh đất giàu có chốn Kinh kỳ. Đội nhà thua khổ, thua sở! Buồn nhất vẫn là bác Toàn, bác bảo: “Biết thế chẳng sang cho xong. Mình cứ nể vợ, ngồi nhà như mấy ông bạn mình lại hóa hay”.

Xấu hổ vì cách thua

Tình yêu với bóng đá Việt Nam vừa được hâm nóng bỗng bị giội gáo nước lạnh. Buồn hơn cả là sau trận đấu HLV Calisto lại lý giải chuyện Việt Nam bị thua một cách rất... cùn: “Bị thua bởi hai thẻ đỏ. Thẻ đỏ thứ hai thì trọng tài hình như có chủ đích. Bởi ông ấy không cần nhìn sổ phạt mà đã rút thẻ đỏ ngay sau khi rút thẻ vàng với Văn Hiếu”. Lý luận thế thì làm sao mà khá nổi! Sau đó ông còn phàn nàn về chuyện nói nôm na là “thắng khen – thua chê” của báo chí và dư luận nói chung của Việt Nam.

Xin thưa! “Thắng khen - thua chê” là chuyện muôn đời của bất cứ nền bóng đá nào. Nhưng Calisto có thể yên tâm, chắc sẽ không có chuyện chê về chuyện thua. Mà nếu có bị chê thì cũng bởi chuyện “đá láo” mà thôi. Thua CHDCND Triều Tiên thì có gì lạ! Nhưng cách thua như thế thì đáng xấu hổ thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem