Nghịch lí: Trong nước thiếu 200.000 tấn lợn nhưng vẫn “thừa” để “xuất ngoại”?

27/11/2019 08:16 GMT+7
Dịch tả lợn Châu Phi đi qua với sức tàn phá khủng khiếp đã đẩy giá mặt hàng này lên cao liên tục trong thời gian vừa qua. Lợi dụng giá cả chênh lệch, nhiều đối tượng đã tìm cách xuất khẩu “chui” sang Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu tiểu ngạch.

Mới đây Bộ Công Thương cũng cho biết qua làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).

Nghịch lí: Trong nước thiếu 200.000 tấn lợn nhưng vẫn “thừa” để “xuất ngoại”? - Ảnh 1.

Điều đáng nói là, lượng heo trong nước đã ít lại còn được tiểu thương săn ráo riết để xuất bán ngoại tỉnh. Một tiểu thương ở Cao Bằng thừa nhận, các đơn hàng ngoại tỉnh, đặc biệt xuất sang Trung Quốc tăng ồ ạt đã đẩy giá heo hơi lên cao hơn. Hiện, giá lợn hơi trong nước đã dao động trong khoảng 73.000 – 80.000 đồng/kg, nhiều nơi "thổi giá" thêm khiến một kg đến tay người dân có khi chạm mức 200.000 đồng/kg. Trước tình hình đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ như sau

Thứ nhất, tại khu vực biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang , lực lượng Quản lý thị trường chủ động xây dựng phương án phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải Quan, Công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.

Trong thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Quản lý thị trường địa phương trên phải tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Mai Trang
Cùng chuyên mục