Nghịch lý của rừng

Thứ hai, ngày 22/03/2010 14:24 PM (GMT+7)
NTNN - Diện tích đất đồi đất rừng của Việt Nam chiếm đến ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, nhưng giá trị kinh tế từ rừng mang lại chỉ chiếm 1% GDP...
Bình luận 0

img
UBND xã Ba Bích (Ba Tơ, Quảng Ngãi) dán áp phích khuyến cáo người dân không bán đất rừng và rừng non cho doanh nghiệp.

Sự kiện 10 tỉnh, thành đồng ý cho doanh nghiệp nước ngoài thuê hơn 300.000ha đất rừng mới đây đã khiến dư luận bức xúc, đặt câu hỏi: Tại sao không giao rừng cho người dân và doanh nghiệp trong nước?

Vì sao người dân sống ngay cạnh “rừng vàng” mà vẫn nghèo? Vì sao nhiều chính sách về rừng đã thấy rõ bất cập, nhưng vẫn chậm sửa đổi...?

Loạt bài của NTNN sẽ góp phần làm rõ những nghịch lý này.

Chỉ đóng góp được 1% GDP

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tổng giá trị kinh tế của ngành lâm nghiệp mang lại chỉ đạt xấp xỉ 13,5-14,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tức chỉ tương đương 1% tổng thu nhập quốc nội (GDP).

Hãy thử so sánh với ngành thuỷ sản, năm 2008, giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá thực tế đạt trên 115 nghìn tỷ đồng. Những năm trước đó, giá trị kinh tế của ngành thuỷ sản thường gấp từ 6-8 lần giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp mang lại.

Như vậy, có thể thấy: Hoặc câu nói “rừng vàng, biển bạc” đã không còn đúng, hoặc chúng ta đang hiểu sai về câu nói này, từ đó có những chính sách chưa hợp lý, hay nói cách khác, chúng ta đang từng bước đánh rơi “vàng”.

Theo PGS-TS.Phạm Đức Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững, thuộc Hội Khoa học Lâm nghiệp VN (nguyên là Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp), đúng là giá trị kinh tế của rừng hiện tại đang thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng của chuỗi giá trị thực của rừng. Nếu chúng ta tổ chức khai thác thật tốt, tận dụng hết tất cả mọi thứ, thì tổng giá trị kinh tế mang lại từ rừng không dừng lại ở 1%, mà có thể đến 3 - 5% GDP.

Ông Tuấn cũng cho rằng, để khai thác tốt chuỗi giá trị của rừng, ngoài gỗ, cần khai thác giá trị môi trường (cảnh quan du lịch, đa dạng sinh học...). Các loại động thực vật có giá trị kinh tế cao (như lợn rừng, công, trĩ, rắn, các loại gỗ quý...) cũng có thể khai thác dưới dạng nuôi mở rộng để giảm áp lực vào rừng săn bắn.

Việc nuôi trồng, khai thác, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, nhất là các cây thuốc cần phải được coi là mỏ vàng độc đáo của VN, với điều kiện phải khai thác, chế biến chứ không chỉ xuất bán nguyên liệu thô với giá “bèo” như hiện nay.

Cũng theo ông Tuấn, ngành lâm nghiệp đã có kế hoạch khai thác lâm sản ngoài gỗ từ 200 triệu USD hiện nay lên 800 triệu USD vào năm 2020. Dù đã được thông qua, nhưng kế hoạch thực hiện gặp không ít khó khăn.

img
Khai thác nhựa thông rừng trồng tại xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Chủ rừng vẫn “ăn đong”

Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp

Việc quản lý quy hoạch và sử dụng đất lâm nghiệp ở một số địa phương chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý lâm nghiệp và cơ quan quản lý đất đai. Một số  trường hợp, quy hoạch đất lâm nghiệp chưa sát với thực tế, chậm điều chỉnh hoặc thường xuyên bị phá vỡ. Đất lâm nghiệp được giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chưa gắn với việc giao, cho thuê rừng, từ đó việc thực hiện các cơ chế chính sách về hưởng lợi, hỗ trợ đầu tư... còn bất cập.

(Trích Báo cáo tình hình thực hiện dự án “5 triệu ha rừng” của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 - 2009)

Rừng nước ta trải dài hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc với nhiều kiểu khí hậu thổ nhưỡng, nên tài nguyên động thực vật rừng rất đa dạng và phong phú. Có cây gỗ, có cây bụi, có cây dây leo, có cây nhiệt đới, cây ôn đới, thảm thực vật cực kỳ phong phú; ngoài gỗ, hàng ngàn loại cây có thể chế biến thành hàng hoá xuất khẩu (song, mây, tre, cây thuốc...). Có thể nói VN sở hữu “rừng giàu” khiến nhiều nước phải mơ ước.

Thế nhưng, dù đã được giao đất giao rừng, rất nhiều chủ rừng vẫn phải “ăn đong”, vẫn phải lấy ngắn nuôi dài.  Chủ trương xã hội hoá nghề rừng của nhà nước gần đây là đúng đắn, nhưng chu kỳ sản xuất của lâm nghiệp khá dài, ít là 6-7 năm (bạch đàn,  keo...), còn với các loại cây gỗ lớn cần ít nhất 20 năm, gỗ quý hiếm (như lim), phải cần tới 50 năm trở lên.

Người dân nhận rừng đa số là nghèo, không đủ vốn lớn và lâu đến vậy. Trong khi đó, vốn nhà nước cũng rất eo hẹp, chẳng hạn như dự án 661 (chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng), trong nhiều năm không bố trí đủ vốn như kế hoạch.

Theo báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10-2009, trước tình hình khó khăn về vốn, đã có 18 tỉnh bố trí giảm diện tích trồng rừng phòng hộ khoảng 9.000ha so với chỉ tiêu T.Ư giao dẫn đến khả năng không hoàn thành kế hoạch trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của năm 2009.

Ngay trong các chính sách kinh tế của các tỉnh thành cũng thể hiện sự “ăn đong” này. TS. Phạm Đức Tuấn nhận định: Trong những năm gần đây, nhà nước đã có nhiều chính sách về rừng ngày càng gần với thực tế. Nhưng từ giấy tờ đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách.

Nhiều cấp lãnh đạo, nhất là cấp tỉnh, vẫn quan niệm rằng những cái gì ảnh hưởng ngay đến người dân thì mới lo lắng, xử lý sớm. Còn trồng rừng, làm kinh tế rừng chưa phải là vấn đề “chết ngay”, nên làm không quyết liệt, dẫn đến không đạt kế hoạch đề ra. 

Cũng theo ông Tuấn, chính sách xã hội hoá nghề rừng hiện vẫn chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào rừng. Một trong những cản ngại là chính sách đất đai.  Theo phân công, quản lý tài nguyên đất lâm nghiệp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn quản lý sử dụng lại là Bộ NN&PTNT.

Đất lâm nghiệp hiện được giao rất manh mún, mỗi gia đình nhận bình quân 1-2ha, khó có thể sản xuất lớn, vì vậy người dân không chuyên tâm kinh doanh rừng, khó đạt hiệu quả cao. Hầu hết các hộ nhận rừng với diện tích dưới 5ha. Số người có hàng trăm, hàng ngàn ha chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Một bất cập khác trong kinh tế rừng là quan hệ sản xuất lâm nghiệp rất yếu. Các  hộ nhận rừng thì nhỏ lẻ manh mún như đã nói. HTX nông nghiệp nhìn chung đã yếu, HTX  lâm nghiệp càng yếu hơn. Phần lớn các doanh nghiệp lâm nghiệp cũng đang trong tình trạng tương tự.

 

Chưa thực hiện tốt chính sách

Chủ trương của Quốc hội vẫn là ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên và đã được cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật, nghị quyết. Tuy nhiên chính sách ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên lâu nay không được triển khai tốt. Nhiều địa phương vẫn đang để mất rừng, vẫn đang cho phép chặt bỏ rừng tự nhiên "nghèo" để chuyển sang mục đích khác, làm giảm độ che phủ thực tế và tính đa dạng sinh học. Sự mất mát này có thể là không thể tính được, nhưng hậu quả thì xảy ra rất nhanh chóng mà nhiều người vẫn đang đổ lỗi cho "biến đổi khí hậu".

Phải nhập khẩu 70- 80% gỗ nguyên liệu

Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 2,8 tỷ USD, tức đứng thứ 5  trong số các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (sau dầu khí, dệt may, giày dép và thuỷ sản). Tuy nhiên để thu được 2,8 tỷ USD, các doanh nghiệp đã phải bỏ ra 1,4 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Sau khi nhà nước đóng cửa rừng, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước thiếu trầm trọng. Doanh nghiệp phải nhập khẩu 70-80% gỗ từ Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Australia... 

Dân không hưởng lợi

28 hộ dân  xã Krông Na được giao bảo vệ quản lý 560ha rừng từ năm 2006, nhưng hầu như chưa được hưởng lợi gì nhiều. Rừng giao cho bà con hầu hết là rừng nghèo, đất rừng thì xấu, không canh tác được. Quan trọng hơn, nếu khoán trắng rừng cho đồng bào thì bà con (tất cả đều thuộc hộ nghèo) không thể có vốn để đầu tư canh tác. Và nếu người dân không được hưởng lợi từ rừng thì rừng vẫn sẽ tiếp tục mất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem