Nghiên cứu của Fed: thuế quan trừng phạt Trump áp lên Trung Quốc khiến Mỹ thiệt hại chục tỷ USD

24/06/2021 18:11 GMT+7
Báo cáo mới nhất của các nhà kinh tế Fed gần như phủ nhận luận điệu của các quan chức chính quyền Trump rằng Mỹ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và thuế quan trừng phạt với Trung Quốc.

Từ năm 2020, một điều bất thường đã xuất hiện trong dữ liệu thương mại toàn cầu: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ do hải quan Trung Quốc thống kê bất ngờ nhiều hơn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc được Mỹ ghi nhận.

Theo Bloomberg, đây là hệ quả nằm ngoài dự kiến của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được châm ngòi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nghiên cứu của Fed: thuế quan trừng phạt Trump áp lên Trung Quốc khiến Mỹ thiệt hại chục tỷ USD - Ảnh 1.

Nghiên cứu của Fed: thuế quan trừng phạt Trump áp lên Trung Quốc khiến Mỹ thiệt hại chục tỷ USD (Ảnh: Reuters)

Nguyên nhân được cho là do việc báo cáo sai từ cả hai phía: các nhà nhập khẩu Mỹ và các nhà xuất khẩu Trung Quốc, theo nghiên cứu mới nhất từ các nhà kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.

Các nhà kinh tế cho rằng các công ty ở Mỹ có thể phải chịu ít thuế hơn nếu họ hạ thấp giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngược lại, các công ty Trung Quốc có thể được giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn nếu họ báo cáo tăng giá trị hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Thông thường, giá trị nhập khẩu của một hàng hóa khi nó tiến vào thị trường Mỹ phải cao hơn giá trị của chính hàng hóa đó khi nó rời khỏi quốc gia sản xuất là Trung Quốc. Nguyên nhân là giá nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải biển và bảo hiểm. Trong khi giá trị xuất khẩu thì không cần kê khai tăng như vậy.

Các nhà kinh tế học của Fed là Hunter Clark và Anna Wong lập luận rằng việc các công ty Mỹ và Trung Quốc báo cáo sai kim ngạch xuất nhập khẩu đã giải thích phần lớn sự sụt giảm thâm hụt thương mại song phương hiện tại. Cụ thể, vào năm 2020, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (310,8 tỷ USD) đã giảm mạnh so với năm 2017 (gần 400 tỷ USD) - thời điểm trước khi xung đột Mỹ Trung bùng nổ thành thương chiến. Trong đó, 55 tỷ USD giảm đi là do các công ty Mỹ báo cáo hạ khối lượng nhập khẩu để trốn thuế, trong khi 12 tỷ USD khác là do Trung Quốc báo cáo tăng kim ngạch xuất khẩu để được hoàn thuế VAT. 20 tỷ còn lại do các nguyên nhân khác.

Theo các nhà kinh tế thuộc Fed: “Xung đột thương mại có tác động rất nhỏ đến cán cân thương mại song phương Mỹ Trung”. Đó là chưa kể việc các công ty Mỹ báo cáo không đầy đủ về mức nhập khẩu đã làm thất thoát khoảng 10 tỷ USD doanh thu từ thuế.

Như vậy, báo cáo này gần như phủ nhận luận điệu của các quan chức chính quyền cựu Tổng thống Trump rằng Mỹ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và thuế quan trừng phạt với Trung Quốc. Nó cũng phủ nhận lập luận thuế quan trừng phạt của Mỹ được đưa ra nhằm mục đích tái cân bằng quan hệ thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Mỹ từ lâu đã phải chịu thâm hụt thương mại quá lớn với Trung Quốc. Bởi thực tế, kết quả nghiên cứu của Fed chỉ ra rằng sự giảm thâm hụt thương mại trong thời gian qua chủ yếu là do các công ty Mỹ và Trung Quốc báo cáo sai lệch số liệu.

Các dữ liệu thương mại cập nhật mới nhất từ phía Trung Quốc cũng cho thấy cho đến nay, nước này đạt được rất ít tiến bộ trong việc thực hiện các cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ Mỹ thuộc thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1.

Kể từ tháng 1/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sản xuất, nông nghiệp và năng lượng Mỹ của Trung Quốc đạt gần 157 tỷ USD, tương đương khoảng 41% mục tiêu mà hai quốc gia đã đề ra.

Báo cáo này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (trụ sở Mỹ) công bố hồi cuối tháng 5 qua rằng dù thỏa thuận thương mại Mỹ Trung đã bước sang năm thứ hai, Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp tiến độ mua hàng đã cam kết với Mỹ.

Cơ cấu chi tiết trong kim ngạch nhập khẩu tăng cường 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mà Bắc Kinh đã cam kết hồi đầu năm ngoái như sau:

Tăng mua hàng hóa sản xuất: 32,9 tỷ USD năm 2020, 44,8 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua nông sản: 12,5 tỷ USD năm 2020, 19,5 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua năng lượng: 18,5 tỷ USD năm 2020, 33,9 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua dịch vụ: 12,8 tỷ USD năm 2020, 25,1 tỷ USD năm 2021.

Kể từ khi nhậm chức tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ giữ nguyên thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đã được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. “Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái điều chỉnh nào ngay lập tức (liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 cũng như thuế quan trừng phạt)” - ông Biden khẳng định trên tờ New York Times.

Ông Biden cũng khẳng định sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn trong vấn đề Trung Quốc, đồng thời tiến hành xem xét toàn bộ thỏa thuận giai đoạn một hiện nay, tham khảo ý kiến các đồng minh thân cận ở Châu Á và Châu Âu “để có thể phát triển một chiến lược chặt chẽ, phối hợp”.


NTTD
Cùng chuyên mục