Ngoại giao kinh tế - nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014

Thứ bảy, ngày 25/01/2014 13:48 PM (GMT+7)
“Đến nay Việt Nam đã thiết lập 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày cuối năm 2013.
Bình luận 0
Điều có ý nghĩa quan trọng là, các quan hệ đối tác này không chỉ tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định, mà còn góp phần củng cố lòng tin, tạo cơ sở chính trị quan trọng cho đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân.

Ngoại giao kinh tế góp phần mở rộng  thị trường xuất khẩu của Việt Nam  (ảnh minh họa).
Ngoại giao kinh tế góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam (ảnh minh họa).

Cùng với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch cũng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường, đó là: Những Ngày Việt Nam tại Italia (1.2013), Chương trình Gặp gỡ địa phương – Ngoại giao đoàn dành cho các tỉnh duyên hải miền Trung (6.2013), Những Ngày Việt Nam tại Nhật Bản (9.2013), Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long tại Vĩnh Long (MDEC, 11.2013)…

Đề cập đến trọng tâm của công tác đối ngoại năm 2014 và lĩnh vực ngoại giao kinh tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, đó là năm then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm thứ hai đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong năm tới, ngành ngoại giao triển khai vận động chính trị, ngoại giao phục vụ các cuộc đàm phán về TPP, RCEP, và các hiệp định thương mại với EU, Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazanstan; đẩy mạnh hơn nữa vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, và tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh; bảo vệ lợi ích của ta trong các cuộc tranh chấp thương mại, chống bảo hộ, áp đặt các tiêu chuẩn kép trong thương mại. Các hoạt động này sẽ góp phần tích cực vào khôi phục nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu hút FDI, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Một số mốc ngoại giao kinh tế năm 2013:


Nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược với Italia, Thái Lan, Singapore, Pháp (nâng tổng số các nước đối tác chiến lược là 13 nước).

Quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và Đan Mạch (nâng tổng số nước là đối tác toàn diện lên 11 nước, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc).


Thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP).


Đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus, Kazastan.


Đẩy mạnh công tác vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, kết quả đạt được là đến nay đã có 43 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.


Thúy Đăng (ghi) (Thúy Đăng (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem