Ngoài tướng Hóa, những cán bộ công an nào từng dính líu “bảo kê”?

Bách Thuận Thứ hai, ngày 12/03/2018 16:39 PM (GMT+7)
Dư luận 2 ngày nay đang xôn xao sự việc nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao- C50, Bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa bị bắt tạm giam vì liên quan tới đường dây đánh bạc quy mô lớn. Đáng chú ý, ông Hóa được cho là đã bảo kê để các đối tượng cầm đầu đường dây tha hồ “tự tung, tự tác”. Trước ông Hóa, đã có nhiều cán bộ công an cũng bị bắt vì bảo kê.
Bình luận 0

Chiều 11.3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa về tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án hình sự "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành".

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Nguyễn Thanh Hóa.

Ngay trong tối 11.3, cơ quan An ninh điều tra Công an Phú Thọ đã tiến hành bắt ông Hoá tại khoa Nội cao cấp Bệnh viện 198 của Bộ Công an (Hà Nội). Ông Hóa nhập viện chữa trị bệnh liên quan đến thần kinh. Sau đó, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Hoá tại phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội trong hơn ba tiếng. Bị can Nguyễn Thanh Hóa đã bị di lý về Phú Thọ ngay trong đêm để phục vụ công tác điều tra chuyên án.

img

Bị can Nguyễn Thanh Hóa mặc dù là cơ quan phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhưng lại "tiếp tay", bảo kê cho những hoạt động phi pháp này và đã vướng vòng lao lý vào ngày 11.3 vừa qua.

Trước tướng Hóa, đã có nhiều trường hợp là cán bộ công an bị điều tra vì có liên quan đến các việc bảo kê hay nhận hối lộ.

Cụ thể, vào năm 2006, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với 4 cán bộ công an TP.Hà Nội về tội nhận hối lộ, vì liên quan đến một vụ án ma túy.

Các đối tượng bị bắt giam gồm Phạm Đình Tiếng, Nguyễn Thế Quảng (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy công an TP.Hà Nội); Đinh Quế Hoan, Phạm Nho Việt (cán bộ công an quận Hoàng Mai). Hoan và Việt trước đây công tác tại công phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

Bốn cán bộ trên bị bắt giam vì liên quan đến chuyên án 112M triệt phá tụ điểm bán lẻ ma tuý tại khu M12, tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

Đây là một tụ điểm ma tuý hoạt động công khai, gây nhức nhối dư luận những năm 1999 - 2000. Chợ ma tuý này thu hút cả nghìn con nghiện đến mua lẻ ma túy mỗi ngày và được tổ chức rất chặt chẽ.

img

Trước ông Hóa, có 4 cán bộ công an ở TP.Hà Nội bị khởi tố vì nhận hối lộ, liên quan đến một vụ án ma túy. (Ảnh minh họa)

Đến ngày 10.12.2000, Cục C17 phối hợp công an TP.Hà Nội đã tấn công triệt phá chợ ma túy Mai Hương, bắt hàng loạt đối tượng, gồm Vũ Thị Hiến, Phạm Thị Lan, Sử Kim Chung, Trần Văn Chẽ... về các tội mua bán trái phép chất ma túy và không tố giác tội phạm.

Tháng 10.2002, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Vũ Thị Hiến, Phạm Thị Lan, Trần Văn Chẽ 7 năm tù giam, Sử Kim Chung 8 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy; riêng Lan và Chẽ bị phạt thêm mỗi người 1 năm tù giam về tội không tố giác tội phạm.

Liên quan đến tụ điểm ma túy Mai Hương, hơn 10 cán bộ CA địa bàn đã bị kỷ luật hoặc thuyên chuyển công tác. Vừa qua, mở rộng điều tra một số tụ điểm ma túy lớn tại địa bàn Hà Nội, kết hợp với những tài liệu chứng cứ khác, cơ quan điều tra đã phát hiện 4 cán bộ CA Hà Nội trên đã từng nhận hối lộ của các đối tượng trong tụ điểm ma túy Mai Hương.

Thông tin ban đầu cho biết, các cán bộ này đã từng nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm, bảo kê, buông lỏng quản lý địa bàn để tội phạm ma túy hoạt động.

Vụ án Năm Cam và những cán bộ dính chàm

Vụ án Năm Cam và đồng phạm hay Chuyên án Z5.01 là vụ án về tội phạm có tổ chức đặc biệt, có tính đặc thù, đây là một vụ án lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. Quá trình hình thành và phát triển tổ chức tội phạm theo kiểu “xã hội đen” do Trương Văn Cam cầm đầu đã được phanh phui và phơi bày trước ánh sang.

Trương Văn Cam là đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, hoạt động phạm tội có tổ chức theo kiểu "xã hội đen", liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong nước trong một thời gian dài với nhiều hành vi dã man, tàn bạo; thủ đoạn trắng trợn, thâm độc gây nên phẫn nộ lớn trong dư luận dân cư.

Trong vụ án này, Bộ Chính trị yêu cầu 9 tập thể, cá nhân kiểm điểm. Ba tập thể đó là: Đảng ủy Công an trung ương, Ban cán sự Đảng ủy VKSND Tối cao, Ban thường vụ Thành ủy TP HCM. Ba cá nhân thuộc ngành công an: Trung tướng Bùi Quốc Huy (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an, nguyên giám đốc Công an TP HCM), thiếu tướng Hoàng Ngọc Nhất (Thứ trưởng Bộ Công an); thiếu tướng Đỗ Năm (Cục trưởng Quản lý trại giam, Bộ Công an).

Ba cá nhân ngoài ngành công an phải kiểm điểm: Phó trưởng Ban Dân vận trung ương Lê Thanh Đạo (nguyên viện trưởng VKSND Tối cao); ông Phạm Sĩ Chiến (nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao); Ủy viên Trung ương Đảng Trần Mai Hạnh (nguyên tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam).

img

Trong vụ án Năm Cam, đã có nhiều cán bộ công an vướng lao lý vì bảo kê cho băng nhóm tội phạm khét tiếng của ông trùm Trương Văn Cam.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trung ương Đảng, nội dung kiểm điểm với 3 tập thể tập trung vào việc thiếu trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp dưới trong phạm vi của mình, để băng nhóm Năm Cam tồn tại trong thời gian dài, lũng đoạn xã hội, mua chuộc, lôi kéo và làm tha hóa nhiều cán bộ, để cho một số cán bộ cấp dưới có quan hệ không rõ ràng với các đối tượng trong vụ Năm Cam.

Về kiểm điểm cá nhân, với ông Bùi Quốc Huy, chủ yếu tập trung vào một số vấn đề thời kỳ ông làm giám đốc Công an TP HCM (đã tiến hành trong hai ngày 18-19.6.2002, cùng với việc kiểm điểm Ban thường vụ Thành ủy TP HCM). Với ông Hoàng Ngọc Nhất, kiểm điểm xoáy vào trách nhiệm trong việc ký các văn bản liên quan đến việc thả Năm Cam, về mối quan hệ với một số đối tượng trong vụ Năm Cam; về nguồn gốc một số tài sản của gia đình. Ông Đỗ Năm phải giải trình trách nhiệm trong việc ký các văn bản của Cục Quản lý trại giam (V26) đề nghị tha Năm Cam trước thời hạn.

Ông Lê Thanh Đạo kiểm điểm trách nhiệm khi là viện trưởng VKSND Tối cao, đã bút phê vào Công văn 333 của Hội Nhà báo Việt Nam (do ông Trần Mai Hạnh ký) để sau đó chuyển cho ông Phạm Sĩ Chiến, yêu cầu giải quyết, tạo "cơ hội" cho ông Chiến can thiệp và đề nghị thả Năm Cam. Ông Trần Mai Hạnh và Phạm Sĩ Chiến đã bị đình chỉ công tác do nghi vấn chạy tội cho Năm Cam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem