Ngôi làng hơn 300 năm làm nghề cào hến

Lê Tập - Thỏa Dung Thứ sáu, ngày 30/04/2021 09:11 AM (GMT+7)
Nép mình bên dòng sông La hiền hòa, ngôi làng nhỏ ở thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) có lịch sử hơn 300 năm người dân sinh sống bằng nghề cào hến.
Bình luận 0

Hến Trường Sơn là món ăn "đặc sản", nổi tiếng khắp cả nước giúp người dân có nguồn thu nhập khá.

"Đặc sản" hàng trăm năm

Về thôn Bến Hến mùa này, chúng tôi bắt gặp dưới dòng sông La, hàng chục tàu thuyền trên khoang chở đầy ắp hến đang chen chúc vào bến neo đậu. Gần đó là những bếp lò luộc hến khói nghi ngút, mùi thơm lan tỏa cả một vùng quê.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, thôn Bến Hến có hơn 80 hộ theo nghề chế biến hến. Đa số các cơ sở hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu chính là hến tươi chế biến theo phương thức truyền thống.

gop/ Ngôi làng hơn 300 năm làm nghề cào hến - Ảnh 1.

"Chính quyền địa phương đang có kế hoạch đưa hến trở thành sản phẩm OCOP nhưng còn nhiều vướng mắc trong khâu xin giấy đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến".

Ông Phan Tuấn Anh -

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn

Tay đang thoăn thoắt đãi mớ hến, chị Lê Thị Thơm (trú tại thôn Bến Hến, xã Trường Sơn), chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề cào hến, nấu hến từ thời cha ông, các thế hệ con cháu lớn lên đều nối tiếp nhau gắn bó với nghề truyền thống này. Trước đây, khó khăn, vất vả lắm, chủ yếu đánh bắt thủ công nên năng suất không cao chỉ kiếm đủ ăn, không có dư dả. Những năm trở lại đây, hến trở thành "đặc sản", được thị trường ưa chuộng nên giá thành cao, bà con làm nghề phấn khởi lắm".

Hến được người dân khai thác từ tháng 12 năm trước đến 7 năm sau (âm lịch). Người dân chế biến hến theo hộ gia đình, mỗi hộ có 5 - 6 người làm. Là người có thâm niên trong nghề, ông Thái Bình Minh (72 tuổi, thôn Bến Hến, xã Trường Sơn), cho hay: "Ngày xưa, dụng cụ cào hến được làm bằng cào tre, chiều dài tùy vào độ sâu của sông. Nay nhờ kinh tế khá giả hơn, gia đình tôi đã đầu tư thuyền máy với vợt sắt và lưới dù để đi cào hến".

"Mỗi ngày gia đình tôi bắt đầu đi cào hến từ lúc 6 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau mới về. Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình một chuyến đi như vậy gia đình tôi chao được 4 - 5 tạ hến, sau khi luộc thu về 40 - 50kg hến thương phẩm" - ông Minh phấn khởi chia sẻ.

Làng giàu lên vì hến

Hến thương phẩm được thương lái thu mua với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg hến to, 60.000 - 70.000 đồng/kg loại nhỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi gia đình bỏ túi khoảng 3 triệu/chuyến đi.

gop/ Ngôi làng hơn 300 năm làm nghề cào hến - Ảnh 3.

Hến được tập kết về bến sông La, ngâm trong nước từ 8 - 10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết bẩn. Ảnh: P.V

Trong những đợt cao điểm hến nhiều, không đủ nguồn nhân lực các cơ sở làm hến phải thuê thêm nhân công đãi hến, luộc hến, tạo công ăn việc làm cho người dân, con em địa phương với mức thu nhập từ 150.000 -200.000 đồng/ ngày.

Hến sống được tập kết về bến sông được các bà, các chị đãi nhiều lần thật sạch, sau đó ngâm trong nước từ 6 - 7 giờ để hến nhả hết cát, cặn bẩn. Đến chiều, những người làm hến lại tất bật để chuẩn bị cho công việc luộc hến.

"Trong các công đoạn thì công đoạn luộc hến là quan trọng nhất. Kỹ thuật luộc cũng đòi hỏi kinh nghiệm, bí quyết riêng, đun đủ "ba sôi, hai trào" dùng đũa khuấy đều cho hến há miệng, vớt ra để ráo và chuẩn bị cho công việc đãi lấy ruột" - bà Dương Thị Xuân (63 tuổi, trú tại thôn Bến Hến, xã Trường Sơn) bật mí.

Hến ở làng Bến Hến có kích thước lớn, vị ngọt đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng tìm đến tận nơi. Nhờ đó, người làm nghề hến không phải lo lắng đầu ra, cào được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Phan Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết: "Nghề chế biến hến ở thôn Bến Hến, xã Trường Sơn có cách đây khoảng 300 năm. Người dân thường đánh bắt dọc theo các tuyến sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Lam… Trước đây, thôn Bến Hến gần như 100% người dân làm nghề đánh bắt, chế biến, kinh doanh hến, bây giờ chỉ còn 1/2 theo nghề (khoảng hơn 80 hộ dân). Nghề chế biến hến mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con, ngày cao điểm người dân có thể thu về từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem