dd/mm/yyyy

Ngon, bổ, rẻ từ khoai mì

Khoai mì hay củ sắn (cassava) phát triển tốt ở môi trường đất đai khô cằn ngay cả khi dịch bệnh thực vật thường xuyên xảy ra với năng suất 13 triệu tấn củ/ha.

Khoai mì là một loại cây thân củ giàu tinh bột, khi được chăm sóc tốt trong điều kiện khí hậu thuận lợi, năng suất có thể đạt trên 80 triệu tấn củ/ha. Khoai mì có thể cung cấp cho ngành chăn nuôi nhiều dạng nguyên liệu thức ăn giá trị dinh dưỡng cao nhưng giá rẻ.

Khoai mì là nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dinh dưỡng cao và giá rẻ (Ảnh: Ciat)
Khoai mì là nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dinh dưỡng cao và giá rẻ (Ảnh: Ciat)

Hiện, khoai mì là cây trồng giàu carbohydrate thứ 2 trên thế giới sau cây ngô, với tổng diện tích 9 triệu ha, chủ yếu tập trung ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Đây cũng là những nơi có nhu cầu tiêu thụ khoai mì rất cao làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và sản xuất tinh bột, ethanol quy mô công nghiệp.

Thái Lan là quốc gia xuất khẩu khoai mì lớn nhất thế giới do đạt sản lượng cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ mạnh từ thị trường châu Âu được duy trì ổn định từ những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, tổng sản lượng khoai mì của Thái Lan vẫn thấp hơn Nigeria và Brazil - hai quốc gia chủ yếu sử dụng khoai mì cho thị trường nội địa. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) năm 2011, hơn 1/3 sản lượng khoai mì được sử dụng cho ngành chăn nuôi dưới các dạng sản phẩm củ tươi nghiền hoặc cắt lát; lát khô; bột khoai mì; khoai mì ép viên.

Dinh dưỡng cao

Khoai mì giàu tinh bột nhưng ít protein cùng một lượng xơ khá lớn trong lớp vỏ. Vỏ khoai mì có hàm lượng xơ cao hơn gấp 2 lần so với bột củ. Phần trên củ là phần gỗ (thân cây), không phù hợp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng lá cây khoai mì rất giàu protein. Do đó, kết hợp củ và lá cây khoai mì sẽ ra một chế độ dinh dưỡng cân bằng rất tốt cho vật nuôi.

Củ khoai mì sống chứa một hàm lượng lớn độc tố cyanogenic glycosides gồm 2 loại: linamarin (chiếm 80% tổng lượng glycoside) và lotaustralin (chiếm 20%), được kích hoạt bởi enzyme tế bào giải phóng ra hydrogen cyanide (HCN) có thể gây ngộ độc cho vật nuôi. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ cyanogenic glucoside, khoai mì trở thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi an toàn và giá trị dinh dưỡng cao. Các phương pháp xử lý đơn giản hoặc sử dụng quy trình giải độc có thể dễ dàng phân hủy hydrogen cyanide như phơi khô hoặc ủ chua khoai mì; nghiền và cho vào túi lưới, rửa sạch và vắt đến khi loại bỏ hết chất độc; đun nhiệt, phơi khô cắt lát trong 2 tuần dưới ánh nắng mặt trời.

Heo

Giá trị năng lượng tiêu hóa của khoai mì khô cho heo dao động 14,5 - 16,5 MJ/kg DM. Khoai mỳ lột vỏ sẽ cải thiện khả năng tiêu hóa và hàm lượng năng lượng. Với heo choai - vỗ béo, có thể bổ sung tối đa 60% khoai mì khô vào khẩu phần ăn tùy thuộc vào giai đoạn tăng trưởng của heo và dạng sản phẩm bổ sung. Ví dụ, bổ sung tối đa 100 g DM/kg W0.60 khoai mì khô nghiền. Ngoài ra, bột khoai mì cũng là một loại nguyên liệu thơm ngon trong khẩu phần cho heo con.

Gia cầm

Xyanua trong khoai mì có thể được khắc phục bằng cách sử dụng các giống khoai mì ngọt hoặc áp dụng phương pháp xử lý sau thu hoạch như phơi khô trên sàn bê tông. Tuy nhiên, bột khoai mì nghiền chứa hạt mịn có thể làm vật nuôi chán ăn và gây kích thích cơ quan hô hấp; khoai mì ép viên giúp làm giảm bụi và tăng độ dày, tăng lượng thức ăn thu nhận, đặc biệt đối với gà con. Do hàm lượng protein thấp nên cần phải điều chỉnh lại công thức thức ăn bổ sung khoai mì. Đặc biệt, cần cung cấp các axit amin chứa lưu huỳnh (methionine và cystine) với số lượng lớn vì chúng có thể bị mất đi trong quá trình chuyển hóa HCN.

Bổ sung 50% khoai mì viên khi nuôi gà thịt sẽ đem lại kết quả tương đương khẩu phần bổ sung ngô. Nếu bổ sung hơn 30% bột khoai mì nguyên vỏ, vật nuôi kém ăn hơn, giảm tăng trưởng không đáng kể nhưng vẫn duy trì được hiệu quả sử dụng thức ăn. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên bổ sung 30 - 40% khoai mì vào thức ăn viên cho gà thịt vỗ béo; 20 - 30% khoai mì vào thức ăn dạng bột cho gà con. Với các sản phẩm khoai mì chất lượng kém hơn và còn nguyên vỏ nên thận trọng khi sử dụng với tỷ lệ không quá 20% trong khẩu phần ăn.

Bổ sung bột khoai mì ở mức cao (50%) trong khẩu phần ăn cho gà đẻ nếu hàm lượng HCN thấp và khẩu phần được cân bằng protein và amino axit. Khối lượng trứng sản xuất cũng được tăng lên nếu bổ sung khoai mì viên. Có thể bổ sung bột khoai mì không lột vỏ ở mức 30% cho gà đẻ, thay thế hoàn toàn bắp trong khẩu phần ăn mà không có ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng trứng.

Tuấn Anh