Ngư dân giỏi cứu bạn nghề lúc hiểm nguy

Thứ ba, ngày 07/08/2012 10:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Lê Văn Chiến (46 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) không chỉ là ngư dân giỏi, mà còn luôn sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi cứu bạn nghề trong lúc hiểm nguy.
Bình luận 0

Cha anh Chiến một đời đi biển nhưng không đủ tiền sắm một chiếc tàu dù nhỏ. Năm 13 tuổi, anh nối nghề cha, bắt đầu với việc đi nấu ăn cho một tàu cá. Vừa nấu ăn, vừa học việc.

img
Anh Chiến kiểm tra tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Đóng tàu lớn ra khơi

Năm 21 tuổi, anh đi thi bằng thuyền trưởng. Có bằng, anh xin qua lái tàu cá. Năm 1992, anh vay mượn để góp vốn với một người bạn cùng đóng một chiếc tàu cá đi biển làm nghề lưới vây. Cần mẫn 8 năm liên tiếp, anh trả xong nợ vay và có dư chút ít làm nhà.

Năm 2006, sau cơn bão Chanchu, người bạn cùng chung tàu không muốn làm nữa, anh quyết định vay tiền để mua nửa chiếc tàu còn lại… Từ đây anh thật sự là một ông chủ tàu cá. Cũng năm này, anh mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đóng thêm một tàu cá có công suất 500CV. Có tàu to, máy lớn, anh dễ dàng thực hiện những chuyến đi biển xa, dài ngày như mong ước để đánh nhiều cá, có lợi nhuận cao.

Từ đây, trung bình mỗi năm anh lãi 800 triệu đồng. Từ một người làm thuê, anh trở thành ông chủ giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 ngư dân địa phương, với thu nhập mỗi người trên 6 triệu đồng/tháng.

Không bằng lòng với những gì mình đã có, năm 2011, anh là một trong 2 ngư dân của thành phố Đà Nẵng dám bỏ tiền lớn làm vốn đối ứng để được thành phố đầu tư máy dò ngang khai thác hải sản xa bờ. Anh cho biết, có máy dò ngang, trong 6 tháng đầu năm 2012, với 3 chuyến biển, anh đã thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh lãi 500 triệu đồng.

Sẵn sàng giúp bạn nghề

Năm 2006, bão Chanchu nhấn chìm hàng chục tàu cá, làm chết hàng trăm ngư dân miền Trung, rất nhiều ngư dân sau đó bị ám ảnh đã phải bán tàu, bỏ nghề. Anh Chiến thì ngược lại, không có cơn bão nào, dù dữ dội đến đâu, làm phai nhạt đam mê biển cả trong anh.

Ông Nguyễn Quang Hậu-Chủ tịch Hội ND phường Xuân Hà cho biết, không chỉ làm ăn giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, anh Chiến còn rất tích cực cung cấp nguồn tin quan trọng trên biển cho các đơn vị chức năng, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc ngoài biển khơi...

Đánh cá giỏi, nhiều tiền, nhưng anh luôn quan tâm đến bạn cùng đi biển. Có lần, vừa mới ra khơi, gặp một tàu đang gặp nạn ngoài biển, anh chấp nhận lỗ, bỏ chuyến biển để lai dắt tàu bạn vào bờ an toàn. Lần khác, anh giúp đỡ 2 ngư dân bị thương nặng trên biển để họ được cứu sống. Anh kể: “Lúc đó, tàu tôi vừa ra khơi thì nhận tin báo tàu câu mực của một ngư dân đang đánh bắt thì bị nổ gas, khiến một người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng, tàu bị hỏng, trôi trên biển, những người còn lại trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Nghĩ cứu người là quan trọng, tôi liền cho tàu tới chỗ tàu bị nạn. Tôi nhanh chóng điện đàm báo Bộ đội Biên phòng nhờ can thiệp. Khoảng 12 tiếng sau, tàu được giúp đỡ kịp thời nên 2 người bị nạn đã được cứu sống".

Anh Lê Xuân Ánh (trú tổ 3A, phường Thanh Khê Đông, Đà Nẵng) 24 năm đi biển cùng anh Chiến, cho biết: Anh Chiến rất thương người. Đi biển, gặp ngư dân bị nạn, anh luôn là người đầu tiên đến cứu giúp. Những ai gặp khó khăn, anh biết được đều giúp đỡ rất tận tình. Mặc dù là chủ tàu nhưng trước khi ra một quyết định gì, anh đều hỏi ý kiến anh em trên tàu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem