Ngư dân mong được hỗ trợ vốn đóng tàu xa bờ

Anh Sơn - Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 04/07/2016 06:25 AM (GMT+7)
Đóng tàu lớn để vươn khơi xa, chuyển từ nghề đánh bắt gần bờ như giã cào sang nghề đánh bắt xa bờ như lưới rê bùng nhùng… là phương án mà đa số người dân ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế lựa chọn để tiếp tục bám biển.
Bình luận 0

Cách đây 2 tháng, khi xảy ra tình trạng cá chết bất thường, ngư dân Nguyễn Văn Hòa- chủ thuyền đánh cá gần bờ công suất 20CV ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) xin một chủ thầu xây dựng cho đi làm phụ hồ để nuôi gia đình. Tuy nhiên, vì không quen việc nên chỉ một thời gian ngắn theo nghề phụ hồ anh Hòa không được chủ thầu cho làm nữa. Từ đó đến nay, hàng ngày anh Hòa chỉ biết ở nhà khâu vá ngư lưới cụ để vơi bớt phần nào niềm mong mỏi ra khơi.

img

Anh Nguyễn Văn Hòa khâu vá ngư lưới cụ để vơi bớt phần nào niềm mong mỏi ra khơi.
Ảnh: An Sơn

“Hơn 2 tháng không ra khơi vì hải sản đánh bắt gần bờ không ai mua, việc làm phụ hồ người ta cũng không gọi nên cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn”- anh Hòa cho biết. “Giờ biển gần bờ ô nhiễm, chúng tôi muốn được tiếp tục bám biển bằng tàu khai thác xa bờ. Chúng tôi cần được hỗ trợ vốn để đóng tàu cá công suất trên 90CV”- anh Hòa bày tỏ.

Ngồi trên con tàu cũ mới mua, anh Trần Đình Phước (khu phố 8, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, đầu tháng 4 năm nay anh quyết định vay mượn bà con, người thân 500 triệu đồng, lặn lội vào Quảng Nam mua con tàu cũ 168 CV mang số hiệu QT 90471 TS về làm nghề giã cào, đánh bắt cách bờ từ 10-12 hải lý.

Tuy nhiên, tàu chỉ vươn khơi đúng 2 chuyến, kiếm được hơn 4 triệu đồng, đến chuyến thứ 3 thì xuất hiện tình trạng cá chết bất thường. Từ đó, anh Phước neo tàu ở cửa sông Hiếu, mặc cho sóng dập, mưa dồn làm tàu hoen gỉ. Mỗi tháng vợ chồng anh Phước phải xoay sở đủ đường để trả 8 triệu đồng tiền lãi. Những tháng nghỉ hè này, vợ con anh Phước phải đi phơi, bẻ đầu cá thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Đất đai không có, chỉ biết làm nghề biển mà giờ biển chết thì chúng tôi cũng chết theo. Nếu có khoản đền bù trực tiếp từ Formosa cùng sự hỗ trợ của Nhà nước thì tôi sẽ tu bổ lại con tàu, mua ngư lưới cụ để chuyển sang nghề lưới rê, vươn ra khơi xa” – anh Phước nói.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Trần Nguyên Hùng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, việc Formosa xả thải đã ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản của hàng chục nghìn lao động. “Sở NNPTNT tỉnh đang gấp rút xây dựng đề án “Khôi phục và phát triển sinh kế cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ và nuôi cá lồng vùng cửa biển” với tổng kinh phí hơn 49,3 tỷ đồng. Theo đó, ngư dân có tàu thuyền từ 50- 90CV được khuyến khích cải hoán, đóng mới tàu để khai thác xa bờ, nếu không thì chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp trên bờ. Ngoài ra, ngư dân còn được khuyến khích chuyển sang làm lao động cho tàu cá xa bờ hoặc xuất khẩu lao động làm nghề đánh cá…” - ông Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem