Ngư dân Thanh Hóa lao đao vì giá hải sản giảm mạnh

05/04/2020 06:00 GMT+7
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngư dân Thanh Hóa liên tục trúng đậm trong các chuyến ra khơi. Tuy nhiên, bà con không phấn khởi, bởi dịch bệnh COVID-19 đã đóng băng thị trường xuất khẩu, dẫn đến giá các loại hải sản giảm mạnh.

Thanh Hóa được xem là một trong những vựa hải sản của khu vực miền Trung, nơi tập trung nhiều ngư trường khai thác, nuôi trồng hải sản  tại các huyện, thị ven biển như: Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn…  Một phần hải sản khai thác, nuôi trồng tại đây được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, việc xuất khẩu bị dừng lại khiến ngư dân lao đao.

Cách đây 10 ngày, tàu của gia đình anh Hoàng Văn Sơn, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vươn khơi đánh bắt. Chuyến đi biển thành công, tàu khai thác được số lượng lớn các loại hải sản có giá trị như tôm, mực, cá thu, cá hồng.... Tuy nhiên, do không thể xuất khẩu, hàng của anh buộc phải bán lại cho các tiểu thương tại thị trường nội địa. “Hải sản đánh bắt về, giảm giá từ 15-30% tùy loại. 

Ngư dân Thanh Hóa lao đao vì giá hải sản giảm mạnh - Ảnh 1.

Hoạt động mua bán hải sản vẫn được duy trì nhưng cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, dù giá dầu đã giảm, song thu nhập của tàu cũng kém đi. Tiền công mà chúng tôi trả cho các bạn thuyền không được như trước. ”- Anh Hoàng Văn Sơn chia sẻ.

Xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc là nơi có cảng cá lớn, mỗi năm đón hàng ngàn  lượt tàu cá cập bến. Trong điều kiện dịch COVID-19 hoành hành, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của Hòa Lộc cũng không khả quan hơn. Các năm trước, tầm tháng 2, tháng 3 là thời điểm vào vụ sứa, ngư dân nhộn nhịp rong thuyền ra khơi đánh bắt để xuất sang Trung Quốc.

Đầu năm nay, do việc xuất khẩu bị đóng băng, bà con buộc phải tạm dừng hoạt động đánh bắt sứa, sản lượng giảm khoảng 40 tấn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc chia sẻ với Etime: “ Những loại hải sản giám giá mạnh đều liên quan đến hoạt động xuất khẩu như mực, tôm, cá thu, cá chim…. Riêng ở lĩnh vực nuôi trồng, do tôm không xuất khẩu được, người dân trong xã đã giảm bớt hoạt động nuôi tôm, khiến sản lượng tôm của xã dự kiến giảm 30% ( tương đương khoảng 120 tấn)  trong năm 2020”.

Ngư dân Thanh Hóa lao đao vì giá hải sản giảm mạnh - Ảnh 2.

Hải sản có giá trị cao nhưng không thể xuất khẩu.

Việc xuất khẩu đóng băng khiến các tàu cá lớn hạn chế ra khơi đánh bắt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy khải sản đại phương thiếu nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ông Vũ Trọng Nam, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tĩnh Gia cho biết: “ Trên địa bàn huyện chúng tôi, do sản lượng hải sản thu hoạch thấp đi nên các công ty chế biến thủy hải sản lớn như Long Hải, Sông Việt, Ngọc Sơn… đều đang tạm dừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các công ty này cũng như đời sống công nhân”.

Theo bà con ngư dân tại các ngư trường lớn của Thanh Hóa, trung bình các loại hải sản giảm giá từ 20 – 30% so với trước khi có dịch COVID-19. Trước tình hình khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhiều địa phương ven biển Thanh Hóa đã khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh hoạt động chế biến hải sản, kéo dài thời gian bảo quản, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sau khi dịch bệnh kết thúc.

Lam Giang
Cùng chuyên mục